Nỗ lực phối hợp tiêu thụ nông sản trong mùa dịch
Cập nhật ngày: 20/08/2021 10:25:18
(Ông Nguyễn Phước Thiện – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đồng Tháp)
* PV: Những nỗ lực của ngành nông nghiệp trước tác động của đợt dịch Covid-19 này?
Ông Nguyễn Phước Thiện
- Ông Nguyễn Phước Thiện (N.P.T.): Trong những ngày đầu tỉnh thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến hạn chế trong việc di chuyển thu hoạch, doanh nghiệp thu mua và công tác kết nối nông sản. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp các ngành có liên quan nhanh chóng triển khai Kế hoạch số 214/KH-UBND ngày 14/7/2021 về khung tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Ngành NN&PTNT, công thương, giao thông vận tải, Trung tâm Xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư tích cực phối hợp các địa phương tiến hành rà soát, thống kê sản lượng nông sản, xây dựng phương án thu hoạch, vận chuyển và tổ chức quảng bá, chương trình kết nối tiêu thụ nông sản, thực hiện “luồng xanh” tạo điều kiện cho người, phương tiện vận chuyển nông sản của tỉnh đi qua địa bàn, đến nơi tiêu thụ. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị, xã hội đã vận động các thành viên, hội viên, thành lập các tổ, đội hỗ trợ thu hoạch, vận chuyển, tổ chức các điểm bán nông sản và kết nối tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh để giảm sự thiệt hại cho hội viên và nông dân.
Mặc dù, việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản còn nhiều khó khăn, hiệu quả giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng đến nay hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh khá ổn định. Vụ lúa đông xuân đã thu hoạch dứt điểm với 196 nghìn ha, sản lượng 1,45 triệu tấn. Vụ lúa hè thu thu hoạch trên 88% diện tích xuống giống với 1,1 triệu tấn. Vụ lúa thu đông xuống giống 82% diện tích kế hoạch, lúa đang phát triển tốt. Hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày có diện tích trên 27 nghìn ha, cây ăn trái 36,4 nghìn ha. Chăn nuôi và thủy sản sản xuất ổn định đạt trên 60% kế hoạch.
* PV: Trong khó khăn do dịch Covid-19, ngành nông nghiệp, nông dân, doanh nghiệp có những đổi mới, sáng tạo gì để thích ứng, nhất là sản xuất và tiêu thụ nông sản?
- Ông N.P.T.: Trước những khó khăn do dịch Covid – 19, ngành nông nghiệp đã chủ động tham mưu UBND thành lập tổ công tác, bộ phận giúp việc hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển nông sản và nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, do Giám đốc Sở NN&PTNT làm Tổ trưởng; công bố đường dây nóng ở tỉnh và các địa phương để tiếp nhận thông tin, kịp thời tháo gỡ, xử lý các tình huống khó khăn của địa phương nhằm ổn định sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản được thuận lợi, thông suốt, an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid -19.
Bên cạnh đó, các địa phương chủ động rà soát, thống kê sản lượng nông sản thu hoạch, dự kiến thu hoạch, xây dựng phương án cụ thể trong công tác chuẩn bị máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển và đội ngũ nhân công hỗ trợ sản xuất và thu hoạch. Các địa phương như: huyện Cao Lãnh, huyện Hồng Ngự, Tam Nông và một số địa phương khác thành lập các tổ nông vụ, tổ cơ giới, tổ thu hoạch nông sản, thủy sản để hỗ trợ nông dân chăm sóc đồng ruộng, thu hoạch và tiêu thụ nông sản trong thời gian giãn cách xã hội. Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên địa phương tổ chức các điểm bán nông sản, chủ động liên hệ, trao đổi với các nhà phân phối, thương lái để kết nối tiêu thụ nông sản.
Hợp tác xã, hội quán và nông dân đã nhanh chóng tiếp cận với việc bán hàng qua mạng internet, Zalo, Facebook và sàn thương mại điện tử Postmart.vn, htx.cooplink.com.vn, Sendo, TiKi, Shopee,... tạo ra một hướng đi mới trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Các doanh nghiệp cũng đã chủ động mọi nguồn nhân lực, kho bãi và rà soát lại hệ thống tổ chức để thích nghi trong tình hình mới, kêu gọi người lao động chủ động sắp xếp việc gia đình, đảm bảo 50% nhân lực sản xuất, trong điều kiện “3 tại chỗ”; tận dụng đội ngũ thương lái uy tín tại địa phương, hợp tác xã, tổ hợp tác và hội quán để làm đầu mối thu gom sản phẩm tại các vùng nguyên liệu để duy trì sản xuất không bị gián đoạn. Bưu điện Đồng Tháp áp dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia sàn giao dịch điện tử Postmart.vn, voso.vn để giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ nông sản.
* PV: Ngành đã và đang tập trung giải pháp gì để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ nông sản?
- Ông N.P.T.: Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ thu hoạch, vận chuyển nông sản theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trong đó tập trung các nội dung như sau:
Phổ biến cho nông dân kỹ thuật sản xuất nông sản an toàn, thực hành nông nghiệp tốt, quy trình canh tác, thu hoạch, sơ chế và bảo quản an toàn đối với dịch bệnh Covid – 19; khảo sát các vùng nguyên liệu, thường xuyên cập nhật thông tin về sản lượng nông sản đến kỳ thu hoạch trước 30 ngày để phối hợp với Sở Công Thương xây dựng phương án tiêu thụ nông sản trong điều kiện Covid-19; tiếp tục hướng dẫn các địa phương xây dựng kịch bản cụ thể việc huy động lực lượng, diện tích thu hoạch gắn với sản lượng kết nối tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên địa bàn; khuyến cáo, nhân rộng các mô hình tổ nông vụ, tổ cơ giới, tổ thu hoạch và vận chuyển nông sản ở các địa bàn để hỗ trợ trong thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ; đề nghị các lực lượng đoàn viên, thanh niên, hội viên nông dân, phụ nữ trên địa bàn hỗ trợ vận chuyển nông sản, thu hoạch và kết nối tiêu thụ nông sản trong hệ thống hội, đoàn.
Kết nối các mặt hàng nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu; thường xuyên trao đổi, phối hợp với Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư thực hiện xúc tiến, kết nối, mời gọi các chợ đầu mối, các đối tác tiêu thụ lớn như: hệ thống siêu thị (Co.opMart, Big C, Go! Vinmart,...); hỗ trợ thực hiện mô hình, chào bán sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng internet như: Tiki, Sendo, Shopee, Voso, Postmart, Alibaba,...
Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tạo điều kiện cho người, phương tiện vận chuyển nông sản trong tỉnh đi từ nơi thu hoạch đến nơi tiêu thụ và đảm bảo nguyên tắc an toàn phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức phân “luồng xanh”, đảm bảo giao thông được thông suốt, không bị ùn tắc tại các điểm nóng trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh phối hợp các tỉnh, thành phố lân cận tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển nông sản của tỉnh đi qua địa bàn đến nơi tiêu thụ nhanh chóng và an toàn dịch bệnh.
* PV: Theo ông, qua những đợt dịch Covid-19, sản xuất nông nghiệp cần phải tập trung hơn vào khâu nào, đầu tư gì... để tránh tình trạng bị động, đứt gãy trong sản xuất và tiêu thụ nông sản?
- Ông N.P.T.: Để tổ chức lại sản xuất, ngành nông nghiệp sẽ tập trung củng cố và thành lập mới các chuỗi ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh, trong đó giải quyết tốt các yếu tố “Liên kết, Hợp tác và Thị trường” để tăng “Chất lượng, Hiệu quả và Giảm rủi ro” trong quá trình sản xuất và kinh doanh nông sản. Song song đó, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp phù hợp, ưu tiên thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã đủ năng lực làm đầu tàu dẫn dắt các chuỗi ngành hàng nông sản, tổ chức tốt liên kết và tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ theo hướng chuyên sâu, chất lượng, hiệu quả nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, trong đó đẩy mạnh phát triển sản phẩm chế biến từ nông sản, sản phẩm OCOP, giảm áp lực tiêu thụ đối với nông sản tươi, làm phong phú và đa dạng sản phẩm nông nghiệp với chất lượng, mẫu mã đẹp. Ngành nông nghiệp sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, điều hành nông nghiệp, nông thôn; đào tạo và tập huấn nông dân tham gia rộng rãi các sàn giao dịch điện tử, tạo ra một kênh tiêu thụ mới mang tính hiệu quả và bền vững trong tương lai.
PV: Xin cám ơn ông!
Thành Nam (thực hiện)