Huyện Thanh Bình
Nông dân cần chủ động phòng bệnh cho cây màu mùa nắng nóng
Cập nhật ngày: 13/04/2016 12:49:09
Huyện Thanh Bình là một trong những địa phương có diện tích trồng cây màu lớn của tỉnh. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng phù hợp nên việc phát triển cây màu đã đem lại thu nhập ổn định cho nông dân tại địa phương. Tuy nhiên, tình trạng nắng nóng kéo dài, làm giảm năng suất cho một số hoa màu địa phương.

Nông dân thăm đồng thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các loại sâu, bệnh gây hại
Anh Huỳnh Văn Thanh - nông dân trồng ớt ở ấp Nam, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình cho biết: “Thời tiết nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và làm ớt giảm năng suất, đồng thời chi phí đầu tư cũng tăng lên rất nhiều. Nguyên nhân là do nông dân phải thường xuyên bơm tưới, bổ sung dinh dưỡng cho ớt”.
Anh Huỳnh Tấn Bửu ngụ xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình cũng cho biết: “Mấy năm gần đây, thời tiết ngày càng khắt nghiệt hơn, dịch bệnh trên cây ớt cũng xuất hiện phổ biến hơn, nhất là các bệnh gây chết cây và có thể lây lan rộng như: bệnh héo xanh, bệnh héo vàng... khiến cho lợi nhuận của nông dân ngày càng teo tóp. Những năm gần đây nước ít, vùng đất sản xuất ớt ở đây không được bồi đắp phù sa nên nguồn dinh dưỡng trong đất ngày càng cạn kiệt, phân hóa học không giúp giải quyết vấn đề mà càng bón nhiều thì cây ớt càng bệnh và chết nhanh hơn, khiến nông dân rất lo lắng”.
Thông tin về tình hình dịch hại và cách phòng trị đối với một số cây màu mùa nắng nóng, anh Lê Đức Hiền - Phó Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Thanh Bình cho biết, các dịch hại thường xuất hiện phổ biến trên cây ớt vào vụ hè thu như: bệnh héo xanh, loại bệnh này thường xuất hiện ở giai đoạn mang trái, nguyên nhân là do nguồn bệnh tích lũy trong đất kéo dài, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển tấn công cây trồng làm cho cây héo rủ, rồi chết. Bệnh khảm cũng là loại bệnh thường xuất hiện vào mùa nắng nóng, bệnh thường gây hại ở giai đoạn cây ra hoa kết trái trở về sau. Triệu chứng của bệnh thường là làm lá đọt nhỏ, xoắn lại, lá không phát triển, lóng ngắn, cây trở nên giòn, dễ gãy. Trường hợp bệnh nặng, cây còi cọc, hoa bị vàng nhỏ và rụng, cây rất ít trái, trái nhỏ và vặn vẹo. Cuối cùng cây có thể bị chết. Ngoài ra, một số bệnh như héo vàng do nấm, bệnh đốm lá vi khuẩn cũng thường xuất hiện vào mùa nắng nóng.
Để hạn chế thiệt hại tối đa, theo Trạm Bảo vệ thực vật huyện Thanh Bình, nông dân cần áp dụng các biện pháp canh tác đồng bộ ngay từ đầu vụ. Khi bắt đầu vụ mùa mới, nông dân cần vệ sinh đồng ruộng, không để cây bệnh tồn tại trên ruộng bởi đó là nguồn lây lan bệnh; đối với những khu vực đất trũng, cần lên liếp để tránh ngập úng; sử dụng giống ớt chất lượng, kháng được nhiều loại sâu bệnh; không lạm dụng phân hóa học, bón phân cân đối, tăng cường nguồn phân hữu cơ cho cây khỏe để tăng khả năng chống chịu bệnh của cây. Bên cạnh đó, cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm các cây có triệu chứng bị bệnh, nhổ bỏ ngay và cách ly khỏi ruộng để xử lý. Không trồng liên tiếp nhiều vụ một giống cây trồng, phải luân canh với cây trồng khác họ để cách ly hoàn toàn mầm bệnh...
Ngoài ra, đối với những giống cây màu khác như bắp, mè... nông dân cần áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác do ngành nông nghiệp khuyến cáo, thăm đồng thường xuyên để có hướng xử lý và can thiệp kịp thời. Khi phát hiện ruộng bắp có những biểu hiện như bắp bị sọt lá, thối thân do vi khuẩn, bà con phải nhổ bỏ cây bệnh, cách ly chúng khỏi đồng ruộng. Nếu trường hợp không kiểm soát được bằng biện pháp sinh học, nông dân có thể can thiệp bằng biện pháp hóa học nhưng không được lạm dụng.
Mỹ Lý