Nông dân, doanh nghiệp Đồng Tháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất
Cập nhật ngày: 30/12/2021 05:47:50
ĐTO - Ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) nói chung, công nghệ cao nói riêng đã và đang được nông dân (ND), doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh thực hiện. Nhờ áp dụng những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật trong sản xuất đã giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho ND, DN.
Đại biểu tham quan mô hình ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch trên xoài tại Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh, xác định KHCN, công nghệ cao trong sản xuất là yếu tố then chốt trong thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tỉnh đã thành lập Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, có vai trò là đầu mối tiếp nhận và chuyển giao các thành tựu KHCN trên địa bàn tỉnh, cũng là đơn vị sản xuất hoa giống, cây giống phục vụ nhu cầu giống sản xuất trong và ngoài tỉnh.
Qua sự hỗ trợ, tuyên truyền và thấy được hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, ND và DN triển khai áp dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả rõ nét. Nhiều ND, DN mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong tình hình mới.
Mô hình cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười đã đem lại hiệu quả thiết thực, tăng thu nhập cho người nông dân, tạo được vùng nguyên liệu ổn định, hướng đến xuất khẩu. Với quy mô 66,5ha, mô hình cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến thực hiện cơ giới hóa toàn diện từ khâu xuống giống đến khâu thu hoạch, cụ thể: sử dụng giống lúa chất lượng cao, áp dụng phương pháp cấy lúa bằng máy, bón vùi phân tan chậm, sử dụng hệ thống cảm biến để quản lý tưới ngập khô xen kẽ (AWD), ứng dụng thiết bị giám sát sâu rầy thông minh, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái, thu gom rơm bằng máy và gắn kết với công ty tiêu thụ lúa cho nông dân. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả tích cực từ việc giảm công lao động, chi phí sản xuất lúa, nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm, có đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho người dân, tạo được vùng nguyên liệu. So với ruộng không áp dụng theo quy trình, mô hình đã giúp người dân thu về lợi nhuận cao hơn, dao động từ 3-8 triệu đồng/ha.
Mô hình Aquaponics kết hợp tối ưu giữa trồng rau và nuôi cá của Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp Aqua (ấp Bình Hiệp B, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò) cho hiệu quả kinh tế khá cao. Đây là sự kết hợp giữa nuôi cá và trồng rau thủy canh trong hệ thống nhà màng. Công ty đầu tư nuôi các loại cá chình, các chạch lấu trong các bồn bằng vật liệu composite, bạt HPDE với tổng thể tích 300m3; đầu tư 2 nhà màng với hệ thống thủy canh có diện tích 3.000m2. Về quy trình nuôi thủy sản tuần hoàn nước, nước thải từ quá trình nuôi thủy sản qua hệ thống lắng lọc rồi đưa vào luống trồng rau thủy canh. Cây trồng thủy canh sẽ sử dụng các chất thải từ quá trình nuôi cá để phát triển. Đồng thời cũng xử lý nước thải trở thành nước sạch và tiếp tục được tái sử dụng nuôi thủy sản. Quy trình kép kính nên không gây ô nhiễm môi trường và tiết kiệm nước. Các loại rau thủy canh đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh với sản lượng 5.000kg/tháng với giá bán từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Công ty hợp đồng cung cấp thường xuyên cho các trường học trên địa bàn huyện Lấp Vò. Nhiều nhà phân phối, siêu thị lớn cũng đã tìm đến đặt vấn đề bao tiêu đầu ra cho sản phẩm rau thủy canh của Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp Aqua. Lợi ích của mô hình là sản xuất thân thiện môi trường, giảm chi phí sản xuất, sản phẩm rau an toàn. Hiện nay, công ty đang mở rộng 1.000m2 nhà màng để sản xuất.
Không riêng việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, mô hình ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch trên xoài tại Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp cũng được DN thực hiện có hiệu quả. Theo đó, với sự hỗ trợ của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) và Phân Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Công ty Kim Nhung Đồng Tháp là đơn vị đầu tiên xây dựng kho lạnh bảo quản xoài, hệ thống thiết bị xử lý sau thu hoạch từ khâu phân loại, rửa, xử lý nấm, bệnh bằng nước nóng, làm khô, đóng gói và hệ thống buồng ủ chín... đã giảm hao hụt ít nhất 20% so với trước; nhờ thời gian bảo quản kéo dài hơn từ 25 - 30 ngày, xoài đã xuất sang nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, Canada, Nga và Úc, New Zeland,...
Đặc biệt, mô hình ứng dụng bẫy đèn thông minh, công nghệ GIS trong công tác dự tính, dự báo đã giúp việc tổng hợp số liệu được nhanh chóng, giúp quản lý và dự báo sâu bệnh trên địa bàn tỉnh được thực hiện nhanh chóng, tiện lợi. Hiện trên địa bàn tỉnh có 11 hệ thống giám sát sâu rầy thông minh được lắp đặt và sử dụng tại các vùng sinh thái trồng lúa và cây ăn trái bố trí tại các huyện Tân Hồng, Thanh Bình, Lấp Vò, Cao Lãnh, Châu Thành, Lai Vung và Tháp Mười. Riêng trong công tác quản lý sản xuất, ngành nông nghiệp đã triển khai ứng dụng phần mềm PPDMS 2.0 vào việc báo cáo và tổng hợp số liệu tình hình sâu bệnh hại cây trồng trên địa bàn tỉnh...
Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cũng là đơn vị sản xuất hoa giống, cây giống phục vụ nhu cầu giống sản xuất trong và ngoài tỉnh
Thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh, từ năm 2016 đến nay, Đồng Tháp đã thực hiện 6 mô hình ứng dụng KHCN, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp gồm: mô hình ứng dụng bẫy đèn thông minh, công nghệ GIS trong công tác dự tính, dự báo; ứng dụng công nghệ thông tin kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc; cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0; sử dụng máy bay không người lái phun thuốc BVTV; ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch trên xoài và mô hình Aquaponics. Qua đánh giá, các mô hình này đều tăng năng suất từ 15-20% so với cách sản xuất theo hình thức truyền thống.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, qua đánh giá hiệu quả các mô hình cho thấy, việc ứng dụng, chuyển giao KHCN, nhất là công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã khẳng định được ưu thế vượt trội và yếu tố quyết định trong việc nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, sản lượng và giá trị sản phẩm. Vì vậy, Đồng Tháp sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư cho các chương trình chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật; quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ khuyến nông nhằm hỗ trợ ND, DN trong việc chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Rà soát, bổ sung các chính sách thu hút, kêu gọi DN đầu tư vào nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
MN