Nông dân Nguyễn Hoàng Võ Mộng Kha luôn đổi mới để tồn tại với nghề trồng hoa kiểng
Cập nhật ngày: 06/10/2020 10:30:02
ĐTO - Những năm gần đây, Làng hoa Sa Đéc trở thành điểm đến hấp dẫn của đông đảo khách du lịch. Để đạt được kết quả đó, nông dân làng hoa đã không ngừng đổi mới phương thức canh tác, tìm tòi thu thập ngày càng nhiều giống hoa kiểng mới lạ tạo sức hút với thị trường. Một trong những nông dân có nhiều tâm huyết trong việc “làm mới” bộ sưu tập hoa kiểng của làng hoa là ông Nguyễn Hoàng Võ Mộng Kha (SN 1963) - Phường Tân Qui Đông, TP.Sa Đéc.
Ông Nguyễn Hoàng Võ Mộng Kha bên bộ sưu tập hoa cúc đồng tiền
Mặc dù gần bước vào tuổi lục tuần nhưng lão nông Nguyễn Hoàng Võ Mộng Kha luôn tràn đầy nhiệt huyết với nghề trồng hoa kiểng. Ông Kha tâm niệm, mỗi lần chinh phục thành công một giống hoa kiểng mới ông đều rút ra bài học kinh nghiệm để tiếp tục một hành trình thử thách mới. Chính tư duy mới mẻ đó luôn là động lực giúp ông Kha nhiều lần nối tiếp thành công trong việc chinh phục giống hoa kiểng mới, lạ.
Vào khoảng năm 2015, khi nhiều nông dân tại Làng hoa Sa Đéc vẫn còn “nặng tình” với những giống hoa kiểng truyền thống cho mùa tết (hoa cúc mâm xôi, cúc tiger, cúc Đài Loan) thì ông Kha đã nhen nhóm ý tưởng trồng thử nghiệm hoa cúc đồng tiền - một giống hoa ôn đới chỉ thích hợp trồng trong điều kiện nhà kính. Ban đầu, do chưa hiểu hết đặc tính của cúc đồng tiền nên hầu như hoa đem về trồng thử nghiệm đều chết sạch.
Ông Nguyễn Hoàng Võ Mộng Kha nhớ lại, bản chất của cúc đồng tiền là hoa trồng xứ lạnh, tại Đà Lạt, nông dân trồng loại hoa này trong nhà kính với nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng đều được kiểm soát kỹ lưỡng. Vì vậy, khi mang hoa về canh tác thử nghiệm tại xứ nóng như Sa Đéc nên nhiều lần phải đối diện với thất bại. “Rút kinh nghiệm sau nhiều lần thất bại, tôi bắt đầu làm mái che giúp giảm bớt lực của hạt mưa khi tiếp xúc xuống bề mặt lá, đồng thời điều chỉnh dinh dưỡng phù hợp giúp hoa cúc đồng phát triển, nở hoa to bắt mắt. Chỉ riêng với cây cúc đồng tiền, tôi phải mất đến khoảng 3 năm mới rút tỉa được kinh nghiệm trong quy trình sản xuất. Tôi nghĩ, không có thành công nào là dễ dàng”, ông Kha nhớ lại.
Tinh thần sáng tạo, nhiệt huyết với nghề đã giúp ông Kha bắt đầu thu “quả ngọt” với giống hoa cúc đồng tiền đỏng đảnh xứ ôn đới. Trung bình, mỗi năm ông Kha cung cấp cho thị trường khoảng 15 ngàn giỏ hoa cúc đồng tiền các loại, với doanh thu khoảng gần 400 triệu đồng.
Không “ngủ quên” trước thành công, năm 2018, ông Kha bắt đầu thử sức với loại hoa cúc mai - một giống hoa được xếp vào hàng “kiêu kỳ”, chỉ trồng riêng trong môi trường nhà kính. Do chưa am hiểu được “tính nết” của hoa cúc mai nên lúc đầu hoa trổ không đẹp, nở không đồng loạt. Sau nhiều lần rút tỉa kinh nghiệm, năm 2019, ông Kha tiếp tục thành công với giống hoa cúc mai với trên 4.000 giỏ đủ các kích cỡ.
Sau hơn 30 năm gắn bó với nghề trồng hoa kiểng, ông Kha đúc kết: “Nghề trồng hoa giống như nghề thiết kế thời trang. Vì vậy, lúc nào cũng phải đổi mới liên tục mới có thể tồn tại trước nhu cầu thị trường. Tuy nhiên không phải lúc nào đi trước và đổi mới cũng suôn sẻ, việc chinh phục các giống hoa kiểng mới đều gắn liền với nhiều rủi ro về kỹ thuật canh tác, thị trường tiêu thụ. Ngược lại, khi giống hoa mới của mình được thị trường chấp nhận thì không phải lo lắng về việc cạnh tranh sản phẩm”.
Hiện tại, ngoài cung cấp các giống hoa mới như cúc đồng tiền, cúc mai, ông Kha còn sưu tầm và thuần dưỡng nhiều giống hoa kiểng mới như: dâu tây, bàng Singapore để cung cấp cho thị trường.
Anh Ngô Minh Phong - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Phường Tân Qui Đông, TP.Sa Đéc cho biết: “Không chỉ mày mò, tìm kiếm kỹ thuật sản xuất mới, ông Kha còn nhiệt tình chia sẻ nhiều bí quyết giúp nông dân ở địa phương làm quen với các giống hoa kiểng mới, mang giá trị kinh tế cao. Với sự yêu nghề và luôn “cháy” hết mình với niềm đam mê của ông Kha là nguồn động lực to lớn tiếp sức giúp cho các thế hệ kế thừa có thêm động lực để phát triển làng nghề hoa kiểng của địa phương. Với những nỗ lực đó, nhiều năm liền ông Kha được vinh danh là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố”.
Mỹ Lý