Nữ nghệ nhân duy nhất còn “giữ lửa” cho nghề làm chiếu cỗ Định An
Cập nhật ngày: 23/02/2017 06:15:05
ĐTO - Chiếu cỗ dùng để bày mâm cỗ trên bộ ngựa (phản) đặt ở gian nhà chính khi có tiệc tùng quan trọng được xem là một nét văn hóa truyền thống của người dân Nam bộ, nhưng nay số người dùng và biết dệt loại chiếu này rất hiếm. Ở làng chiếu Định An có truyền thống dệt chiếu lâu năm nhưng hiện nay chỉ còn duy nhất nghệ nhân Lê Thị Thể (xã Định An) còn “giữ lửa” cho nghề dệt chiếu cỗ này.
Cô Thể vẫn duy trì nghề dệt chiếu cỗ theo lối thủ công truyền thống
Làm nghề từ thuở còn thơ
Nghệ nhân Lê Thị Thể năm nay hơn 60 tuổi nhưng có hơn 40 năm gắn bó với chiếc chiếu cỗ Định An. Cô là con của một nghệ nhân làm chiếu nổi tiếng vùng đất Định An năm xưa. Năm 15, 17 tuổi, cô Thể vì yêu thích những đường nét hoa văn trên chiếc chiếu, nhất là việc lải chữ trên chiếu cỗ vô cùng tài hoa nên cô xin mẹ truyền nghề làm chiếu. Nhờ sự truyền dạy về kỹ thuật dệt chiếu của mẹ và sự chuyên tâm rèn dũa mà tay nghề của cô Thể ngày càng tiến bộ.
Nhớ lại thời vàng son của dòng chiếu cỗ, cô Thể chẳng khỏi bùi ngùi. Ngày ấy, làng chiếu làm ăn phát đạt và có hẳn một phiên chợ ma. Những đôi chiếu cỗ Định An ra tới đâu bán hết veo tới đó khiến cho người làm chiếu thăng hoa hơn trong từng khung dệt. Cứ “nửa đêm giờ tí canh ba” sau khi chằng buộc chiếu chắc chắn trên gác ba ga, cô lên chiếc xe đạp chở chiếu đi bán ở chợ Định Yên. Con đường đê sông Tiền có chỗ gập ghềnh, chỗ ổ gà ổ voi nên có mấy lần ngã dúi dụi, thậm chí có lần chiếu còn rơi vào vũng nước ướt nhòe.
Trước đây, dịp Tết đến xuân về, chợ chiếu Định Yên lại rộn ràng hơn, chiếu bông, chiếu con cờ, chiếu trà niên, chiếu bông gấm, nhất là chiếu cỗ... có mặt ở trong mỗi gia đình thể hiện một nét văn hóa rất đậm chất Nam bộ. Thậm chí chiếu Định Yên còn vượt hàng trăm cây số sang các tỉnh miền ngoài và trở thành thị trường chính mang lại sự ổn định cho làng chiếu Định Yên. Song, đến những năm 1990, chiếu Định Yên không có nơi tiêu thụ, sản xuất chiếu đình đốn.
Nhiều năm trở lại đây, khi người làng chiếu Định An tấp nập với chiếu máy, có nhà thành tỷ phú thì hai thế hệ gia đình của nghệ nhân Lê Thị Thể vẫn thủy chung với nghề làm chiếu thủ công của cha ông. Cô Thể bộc bạch: “Thời điểm nghề chiếu đình đốn tôi cũng có ý định chuyển sang làm chiếu máy để bắt kịp với nhu cầu thị trường. Nhưng nghĩ lại đây là kỉ niệm duy nhất mà mẹ truyền lại và cũng là nghề của cha ông nên quyết tâm giữ gìn”.
Lo thất truyền nghề truyền thống
Khung dệt, cọng cói cứ thế đi theo cô Thể từ đó đến nay. Nói về cách làm chiếu cỗ, cô Thể cho biết, chiếu cỗ có kích thước ngang 0,6m, dài 1,8m được làm từ cây lát, cách dệt tương tự như chiếu thường, tuy nhiên kỹ thuật lải chữ trên chiếu cỗ thì hoàn toàn bằng tay, không theo khuôn mẫu có sẵn như dệt chiếu máy. Đối với phương pháp này, người dệt chỉ nhìn bằng mắt thường trên giấy mẫu chữ được đặt, bằng trí tưởng tượng và tay nghề của mình, người thợ tự biết cách đè sợi trân như thế nào để ra chữ V, H, S... cho ra các mẫu chữ như “phước lộc”, “vạn thọ”... như yêu cầu của khách hàng.
Kích thước và độ đều đẹp của chiếu tùy thuộc vào cách chọn cọng cói và kỹ thuật đè sợi trân. Đây là kinh nghiệm, sự sáng tạo, thậm chí còn là bí quyết gia truyền của nghệ nhân. Chính nhờ sự cầu kỳ, cẩn thận trong cách dệt mà chiếu cỗ do cô Thể dệt luôn tươi sáng, đều đẹp và được nhiều người ưa chuộng. Để theo kịp dòng chảy của thời đại, cô cũng không ngừng nâng cấp hình thức của chiếc chiếu cỗ. Cô cho rằng chiếu của mình hiếm nhưng cũng phải làm cho mẫu mã đẹp lên thì mới có nhiều khách hàng.
Chiếu sau khi dệt được cô Thể đem phơi ngoài sân
Nữ nghệ nhân cho hay, trước kia chiếu cỗ được bán cho khách ở khắp nơi, nhưng hiện nay, số lượng người dùng và biết đến loại chiếu này rất ít do xã hội phát triển và ít nhà còn dùng bộ ngựa (phản) như ngày xưa. Vì vậy, số lượng chiếu cỗ được tiêu thụ rất hạn chế, hiện chỉ còn một khách hàng ở Ba Tri (Bến Tre) đến đặt hàng với số lượng 100 đôi chiếu/2 tháng, nhưng cũng không thường xuyên...
Với nghề làm chiếu, cô bộc bạch: “Chỉ gọi là đủ ăn để giữ lấy nếp nghề của cha ông”. Và cô đang lo một mình cũng khó “giữ lửa” mãi cho nghề. Sự lo lắng của cô là có cơ sở, bởi muốn bảo tồn bền vững tay nghề làm chiếu cỗ, thì sản phẩm làm ra phải được tiêu thụ và nuôi sống được người làm ra nó, trong khi đầu ra của chiếu cỗ thì đang thu hẹp dần...
Mỹ Nhân