Đồng bằng sông Cửu Long
Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường
Cập nhật ngày: 10/05/2023 18:17:55
ĐTO - Tại hội thảo “Vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và giới thiệu chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI)” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) tổ chức ngày 9/5/2023 tại tỉnh Trà Vinh, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI cho biết, cách tiếp cận của VCCI về phát triển xanh của khu vực tư nhân là cách tiếp cận dựa vào thị trường, trong đó các yếu tố cạnh tranh sẽ được định hình lại.
Cụ thể là nâng cao các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu cần thiết để tham gia và cạnh tranh trên thị trường; tăng cường các ưu đãi và hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh thực sự mang lại lợi ích ròng cho môi trường tự nhiên; phù hợp với các nguyên tắc cốt lõi của PCI, chính quyền cấp tỉnh sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc thiết lập và duy trì các quy tắc của hệ sinh thái này; để đạt được các mục đích mong muốn, cần phải có cách tiếp cận chính sách đảm bảo các nguyên tắc minh bạch, công bằng và chính đáng.
Theo ông Tuấn, kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều thay đổi, trong đó có 2 xu hướng lớn: thứ nhất, phải thích ứng tốt hơn với điều kiện bất thường, khó đoán định; thứ hai, phải phát triển xanh hơn. Đây là vấn đề toàn cầu quan trọng, là trách nhiệm của tất cả các quốc gia, doanh nghiệp, người dân.
Phát triển xanh phải nằm trong mọi yếu tố của quá trình phát triển. ĐBSCL là vùng nông nghiệp lớn nhất cả nước, chưa có nhiều nhà máy công nghiệp nên môi trường đất, nước, không khí nơi đây còn rất hoang sơ; vùng này cũng có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp xanh như năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế xanh.Tuy nhiên, để kích thích phát triển kinh tế xanh thì đòi hỏi phải có chính sách hỗ trợ, khuyến khích từ cơ quan quản lý. Doanh nghiệp với vai trò chủ thể phải chuyển đổi tư duy sản xuất xanh và bền vững.
Chỉ số xanh cấp tỉnh (Provincial Green Index- PGI), nhằm khuyến khích và thúc đẩy nỗ lực của chính quyền các tỉnh hướng đến sự phát triển khu vực tư nhân theo tinh thần Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia và Chiến lược quốc gia ứng phó với Biến đổi khí hậu. Năm 2022, top 10 tỉnh có điểm PGI cao nhất gồm Trà Vinh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hải Dương, Lào Cai, Bắc Kạn, Bắc Giang, Vĩnh Phúc. Riêng đối với khu vực ĐBSCL, tỉnh Đồng Tháp xếp thứ 6/13 với 14,33 điểm (mức điểm trung bình là 14,11 điểm).
Một địa phương được coi là có chất lượng quản trị môi trường tốt khi có những nỗ lực phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (chỉ số thành phần 1); thực thi các quy định và có các biện pháp hợp lý để đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường mà không tạo thêm gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp (chỉ số thành phần 2); hướng dẫn, phổ biến đầy đủ về các thực hành xanh và chú trọng mua sắm xanh (chỉ số thành phần 3) và cuối cùng, khuyến khích “xanh hóa” mô hình sản xuất kinh doanh thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ cụ thể (chỉ số thành phần 4).
Ông Trương Hòa Châu - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu phát triển cân bằng, toàn diện và bền vững giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột về kinh tế, xã hội và môi trường, làm thế nào để sự phát triển mang lại lợi ích cho người dân, tăng trưởng kinh tế mà không gây ra hố ngăn cách giàu nghèo, bất ổn xã hội, không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên và hủy hoại môi trường, bảo đảm điều kiện cho sự phát triển dài hạn, tính tới lợi ích cho các thế hệ sau. Dưới góc nhìn của địa phương, thì PGI sẽ là công cụ chính sách hữu ích, có thể bổ trợ chỉ số PCI để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện môi trường, đảm bảo phát triển bền vững tại Việt Nam nói chung và địa phương nói riêng trong thời gian tới.
Nguyệt Đỗ