Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn - hướng đi bền vững cho ngành hàng cá tra Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 20/08/2023 05:51:33

ĐTO - Chế biến cá tra là một trong những ngành công nghiệp quan trọng của tỉnh Đồng Tháp. Trong giai đoạn từ năm 2010 - 2021, kim ngạch xuất khẩu ngành chế biến cá tra luôn chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Để khai thác hiệu quả những giá trị tiềm năng của ngành hàng này, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi sản xuất. Mô hình này vừa giúp doanh nghiệp chế biến cá tra giải quyết được hiệu quả bài toán về môi trường, vừa nâng cao giá trị tăng thêm chuỗi ngành hàng cá tra.


Sản xuất cá tra xẻ bướm tại Công ty TNHH Thủy sản Quốc Tế

Hiện, toàn tỉnh có 28 nhà máy chế biến cá tra, tổng công suất thiết kế trên 700.000 tấn tấn/năm. Các sản phẩm chế biến xuất khẩu chủ yếu của tỉnh là cá tra phi lê đông lạnh, cá nguyên con, cá cắt khúc, cá xẻ bướm; sản phẩm giá trị gia tăng như: cá tra phi lê tẩm bột, surimi, chả.... Thị trường xuất khẩu tiêu thụ chủ yếu của doanh nghiệp chế biến cá tra tỉnh Đồng Tháp là Mỹ, các nước EU, Trung Quốc...

Thời gian qua, ngành chế biến phụ phẩm cá tra có sự phát triển vượt bậc, giúp tận dụng hiệu quả các phụ phẩm phát sinh trong quá trình chế biến nhằm giảm phát sinh lượng chất thải ra môi trường. Để nâng cao giá trị phụ phẩm cá tra, một số doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư thêm dây chuyền sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như: chế biến dầu cá từ mỡ cá  của Công ty CP Dầu cá Châu Á, Công ty TNHH MTV Thực phẩm Vĩnh Phước; chế biến collagen từ da cá của Công ty TNHH MTV Vĩnh Hoàn collagen...

Hiện, toàn tỉnh Đồng Tháp có 13 nhà máy chế biến phụ phẩm từ cá tra, tổng công suất thiết kế 350.000 tấn/năm. Các sản phẩm được sản xuất từ các nhà máy chế biến phụ phẩm cá tra gồm: bột cá, mỡ cá, dầu cá, collagen, dịch thủy phân cá tra... Các sản phẩm này đang được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường nội địa và xuất khẩu.

Có thể thấy, mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất cá tra đang dần hình thành và lớn mạnh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, qua đó giúp nâng cao giá trị cá tra, đa dạng sản phẩm, tăng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Dù mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi sản xuất ngành hàng cá tra được doanh nghiệp quan tâm, triển khai áp dụng nhưng mô hình này vẫn còn nhiều dư địa để khai thác. Hiện tại, tiềm năng về sử dụng tiết kiệm năng lượng và nước tại các nhà máy chế biến cá tra và phụ phẩm còn khá lớn, chưa được các doanh nghiệp áp dụng triệt để; việc sử dụng năng lượng tái tạo tại các nhà máy trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn hạn chế...

Để ngành chế biến cá tra phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đề xuất một số giải pháp. Theo đó, tỉnh cần quy hoạch đồng bộ cụm nhà máy chế biến cá tra, chế biến phụ phẩm trên cùng địa bàn, cụm công nghiệp, khu công nghiệp. Địa phương cần có chính sách khuyến khích và kêu gọi thêm nhiều nhà đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến phụ phẩm, các sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao như: dầu cá, collagen, gelatin, bột huyết... Đặc biệt, để mô hình kinh tế tuần hoàn lan tỏa tốt trong các doanh nghiệp, địa phương cần thường xuyên tổ chức thêm các lớp tập huấn về sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng; đầu tư giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn