Phát triển ngành hàng chủ lực gắn với giảm giá thành, tăng giá trị

Cập nhật ngày: 29/06/2023 10:43:41

ĐTO - Theo dự báo, tình hình sản xuất và hoạt động chế biến thủy sản của các doanh nghiệp trong thời gian tới vẫn tiếp tục duy trì, tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, dự báo trong quý III và IV, tình hình xuất khẩu cá tra sẽ phục hồi và tăng trưởng mạnh sẽ đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng lĩnh vực thủy sản năm 2023. Tuy nhiên, những bất ổn trong lĩnh vực kinh tế - chính trị trên thế giới tiếp tục tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của người dân như: giá cả nguyên liệu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí vận chuyển tăng. Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết bất lợi tiếp tục ảnh hưởng đến quá trình sản xuất; các rào cản thương mại, kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng cao...


Cá tra, ngành hàng thế mạnh của tỉnh

Trước những cơ hội, thách thức đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề ra kế hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn những tháng cuối năm 2023 hướng tới thúc đẩy chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực và tạo động lực phát triển ngành hàng chủ lực gắn với giảm giá thành, tăng giá trị trên cùng đơn vị sản xuất. Đồng thời mở rộng quy mô vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn gắn với phát triển du lịch sinh thái góp phần tạo giá trị mới trong sản xuất và phát triển “nông nghiệp bền vững”. Phát triển đội ngũ “nông dân chuyên nghiệp”; phát triển “nông thôn hiện đại” gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng “Làng thông minh” không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư nông thôn.

Theo đó, Sở NN&PTNT đề ra mục tiêu 6 tháng cuối năm 2023, giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt trên 27.455 tỷ đồng, giá trị tăng thêm ước đạt trên 11.773 tỷ đồng. Cả năm giá trị sản xuất đạt trên 49.125 tỷ đồng, ước giá trị tăng thêm đạt trên 21.286 tỷ đồng, tăng 3,73% so thực hiện năm 2022 (hoàn thành mục tiêu tăng trưởng được giao là 3,7%). Phấn đấu có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu có thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thành lập mới thêm ít nhất 1 hợp tác xã trong 6 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, có ít nhất 94% số hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch; xây dựng và xác lập mới mã số vùng trồng trên lúa, hoa màu, cây ăn trái đạt 20.000ha vào cuối năm; có thêm ít nhất 50 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên; chuẩn bị thủ tục đầu tư, triển khai các công trình, chương trình, dự án trung hạn của ngành và giải ngân vốn các công trình được giao đúng kế hoạch...

Theo đó, để đạt được mục tiêu đề ra, Sở NN&PTNT đề ra một số nhiệm vụ giải pháp thực hiện. Trong đó, khuyến khích chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả; phát triển mô hình sản xuất mới cho giá trị kinh tế cao, mô hình sản xuất hữu cơ tuần hoàn; tổ chức sản xuất theo hướng mở rộng quy mô liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị; phát triển nông sản an toàn, nông sản hữu cơ gắn chứng nhận mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chiến lược phát triển và định hướng tái cơ cấu ngành hàng chủ lực và ngành hàng tiềm năng của các địa phương. Lĩnh vực chăn nuôi sẽ nhân rộng mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học quy mô trang trại, hướng đến phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp. Theo đó, phấn đấu giá trị sản xuất chăn nuôi 6 tháng cuối năm đạt trên 1.514 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phát triển đối tượng thủy sản chủ lực (cá tra) thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; nghiên cứu chuyển giao quy trình sản xuất đối tượng tiềm năng cho giá trị kinh tế cao góp phần tạo ra giá trị mới, nâng cao hiệu quả sản xuất. Theo đó, chú trọng thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung các vùng quy hoạch nuôi thủy sản phù hợp với điều kiện thực tế và tiềm năng phát triển của địa phương; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Mặt khác, phát triển nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả; công tác chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Đồng thời quan tâm phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, nòng cốt là hợp tác xã với nhiều hình thức liên kết, hợp tác, góp phần hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nhằm tạo đầu ra và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn