Phát triển nhiều mô hình về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Cập nhật ngày: 02/04/2025 13:31:12

http://baodongthap.com.vn/database/video/20250402013209dt2-7.mp3

 

ĐTO - Thực hiện Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong lĩnh vực nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều mô hình đạt hiệu quả. Đây là tiền đề để tỉnh tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, phục vụ xuất khẩu, tạo thương hiệu nông sản, nâng cao giá trị ngành hàng, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân...


Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại cánh đồng Ấp 4, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười (Ảnh: Mỹ Nhân)

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Quản lý khai thác công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn hợp đồng với Trung tâm Khuyến nông An Giang thực hiện mô hình (MH) sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) (năm thứ 3). MH áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, hình thành được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, tiết kiệm công lao động, giảm thất thoát trong sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân; thực hiện quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp...

MH thực hiện tại xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông với quy mô 50ha/25 hộ tham gia (thành viên Tân Hưng Hội quán), sản xuất lúa giống DS1 liên kết với Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice). Theo đó, năng suất bình quân trong MH đạt 6,5 tấn/ha, cao hơn đối chứng 0,5 tấn/ha; tổng chi phí sản xuất trung bình MH 30,1 triệu đồng/ha, thấp hơn ruộng đối chứng 2,6 triệu đồng/ha (32,7 triệu đồng/ha); giá thành sản xuất trong MH là 4.624 đồng/kg, thấp hơn 826 đồng/kg so với ngoài MH (5.450 đồng/kg); lợi nhuận trong MH đạt 27,1 triệu đồng/ha, cao hơn 7 triệu đồng/ha so với ngoài MH (20,1 triệu đồng); năng suất bình quân trong MH đạt 6,5 tấn/ha, cao hơn đối chứng 0,5 tấn/ha.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Quản lý khai thác công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn hợp đồng với Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp Bến Tre thực hiện MH thâm canh xoài theo hướng VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ tại ĐBSCL (năm thứ 3). MH thực hiện tại xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh với quy mô 15ha/23 hộ tham gia. Theo đó, tổng chi phí sản xuất trung bình MH 151,6 triệu đồng/ha, thấp hơn ngoài MH 3,1 triệu đồng/ha (148,5 triệu đồng/ha); giá thành sản xuất trong MH là 12.948 đồng/kg, thấp hơn 2.330 đồng/kg so với ngoài MH (15.278 đồng/kg); lợi nhuận trong MH đạt 60,9 triệu đồng/ha, cao hơn 22 triệu đồng/ha so với ngoài MH (38,9 triệu đồng); năng suất bình quân trong MH 7 tấn/ha, cao hơn 0,7 tấn/ha so với ngoài MH (6,3 tấn/ha).

MH áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, để phục vụ tiêu dùng nội địa và hướng đến xuất khẩu, góp phần nâng cao thương hiệu, giá trị, hiệu quả kinh tế; hình thành mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, cấp mã số vùng trồng góp phần thay đổi nhận thức và tư duy của người nông dân, hướng đến sản xuất các sản phẩm chất lượng. Từ đó, tạo sự tin tưởng từ người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh, ổn định giá cả giúp người sản xuất nâng cao thu nhập, xây dựng thương hiệu cho nông sản của tỉnh.

MH thí điểm canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) với quy mô 50ha/24 hộ nông dân tham gia tại cánh đồng Ấp 4, xã Láng Biển, thuộc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi trong 3 vụ, bắt đầu từ vụ thu đông 2024. MH ứng dụng đồng bộ các giải pháp theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL do Cục Trồng trọt ban hành; áp dụng quy trình canh tác bền vững từ nguồn vốn phát triển đất trồng lúa theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP.

Trong năm 2024, có 26 MH được triển khai trên tổng diện tích 5.306ha nhằm hỗ trợ người trồng lúa áp dụng giống, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Kết quả cho thấy, các mô hình giúp giảm giá thành sản xuất đầu vào, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân, nâng cao chất lượng hạt gạo, giảm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật và góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người sản xuất... Từ đó, tạo tín hiệu tích cực và là tiền đề nhân rộng MH trong thời gian tới ở những vùng đăng ký tham gia thực hiện “Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” tại tỉnh Đồng Tháp.

Tại huyện Lấp Vò và Lai Vung thực hiện các MH có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hoa, kiểng như: sử dụng cây giống cấy mô (cây giống sạch bệnh, chất lượng đồng đều), sử dụng nhà lưới và hệ thống tưới phun. Cụ thể, nhân rộng MH sản xuất kiểng lá gắn với kết nối tiêu thụ sản phẩm (giới thiệu đến các hộ sản xuất hoa, kiểng về giống kiểng lá đỏ, là loại cây kiểng nội thất có giá trị kinh tế cao và có thể trồng quanh năm); nhân rộng MH sản xuất hoa cúc mini gắn với kết nối tiêu thụ sản phẩm (giới thiệu đến các hộ sản xuất hoa, kiểng về giống cúc mini, đa dạng màu sắc và dễ chăm sóc, phù hợp sản xuất vụ hoa Tết); nhân rộng MH sản xuất hoa cúc mâm xôi màu gắn với kết nối tiêu thụ sản phẩm; nhân rộng MH sản xuất hoa đồng tiền trong nhà lưới gắn với kết nối tiêu thụ sản phẩm...

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn