Huyện Lai Vung

Phòng, chống bệnh vàng lá, thối rễ trên cây cam, quýt

Cập nhật ngày: 29/05/2015 13:26:15

Những năm gần đây, cây cam, quýt tại huyện Lai Vung gặp phải bệnh vàng lá, thối rễ làm ảnh hưởng nhiều đến năng suất. Để cây cam, quýt phát triển được an toàn và bền vững, bà con nông dân phải có biện pháp quản lý và phòng ngừa tốt đối tượng dịch hại nguy hiểm này.


Nông dân cần chủ động phòng ngừa bệnh vàng lá, thối rễ trên cây cam, quýt

Theo Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện Lai Vung, thời điểm hiện tại, các nhà vườn đã làm tốt việc xử lý các biện pháp phòng ngừa bệnh vàng lá, thối rễ nên tỷ lệ đậu trái khá cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số diện tích vườn bị ảnh hưởng của bệnh với tỷ lệ khoảng 5 – 10%. Theo ông Nguyễn Bé Năm- Trưởng Trạm BVTV huyện Lai Vung: “Bệnh vàng lá, thối rễ xảy ra trên cây cam, quýt nguyên nhân do cây bị thiếu dinh dưỡng, thời tiết thay đổi bất thường và sâu bệnh. Tác động trực tiếp của đối tượng dịch hại này trên cây cam, quýt là gây tổn thương bộ rễ, làm cho cây chậm phát triển, giảm dần năng suất, chất lượng trái kém và bị rụng sớm, gây chết cây hàng loạt. Đến nay, chưa có thuốc đặc trị dịch bệnh này mà chỉ áp dụng biện pháp phòng ngừa là chính”.

Bệnh vàng lá, thối rễ thường phát triển mạnh vào mùa nắng nóng. Nguyên nhân chính gây ra bệnh trên cây cam, quýt là do nấm Fusarium, Fitoptora. Bệnh bộc phát trong điều kiện đất đai bị dẻ chặt, thiếu thoáng khí. Khi bệnh mới xuất hiện, lá của cây vẫn bình thường nhưng gân lá có màu vàng, phiến lá ngả màu vàng cam và dễ rụng; hoa, trái cũng bị rụng và cây không có khả năng phát triển. Khi cây ra trái thì sẽ kém chất lượng và thường mất đi giá trị thương phẩm. Trường hợp cây bị bệnh nặng, tất cả rễ đều bị hư và cuối cùng là chết toàn cây.

Theo Trạm BVTV huyện Lai Vung, bệnh vàng lá, thối rễ trên cam, quýt rất khó trị khi cây có lá chuyển sang màu vàng và rụng, bởi vì lúc này, rễ cây đã bị hư khá nhiều. Để phòng ngừa các loại nấm gây hại, nông dân có thể sử dụng chế phẩm sinh học Tricodecma và các loại thuốc như: Mataxi, Mancozeb, Ridomil Gold, Aliette, Nustar. Việc ngăn ngừa các loại tuyến trùng, rệp sáp, nông dân nên sử dụng các loại thuốc thuộc nhóm cúc tổng hợp, nhóm Emamectin, nhóm thuốc có gốc sinh học. Ngoài ra, cần áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp như chọn cây giống sạch bệnh, áp dụng kỹ thuật canh tác tốt, chăm sóc cây trồng khỏe và sử dụng thuốc hóa học theo nguyên tắc 4 đúng và phải theo hướng dẫn ghi trên bao bì.

Ông Nguyễn Bé Năm cho rằng: “Cùng với kỹ thuật canh tác, nông dân nên chú ý việc sử dụng thuốc hóa học cũng là giải pháp rất cần thiết nhằm ngăn chặn sự phát triển của bệnh hại. Bên cạnh đó, nông dân nên kiểm tra vườn thường xuyên để phát hiện bệnh sớm và có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Để phòng ngừa bệnh vàng lá, thối rễ trên cây cam, quýt, cần xử lý đất đai thật kỹ trước khi trồng, nên đắp mô cao để dễ thoát nước, trồng cây với mật độ vừa phải, bón phân cân đối, nhưng chú ý bón thêm nhiều phân lân để tăng khả năng đề kháng của rễ cây đối với bệnh. Tăng cường hoạt động của các vi sinh vật trong đất, tạo tơi xốp cho đất và nên bón vôi để hạn chế độ chua trong đất”.

Nhật Khánh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn