Phòng, chống sâu bệnh gây hại lúa hè thu

Cập nhật ngày: 09/03/2015 13:50:05

Thời tiết nắng nóng kéo dài là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại lúa vụ hè thu 2015 trên địa bàn tỉnh. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh đã kiểm tra đồng ruộng, đồng thời khuyến cáo nông dân các biện pháp phòng trừ.

Nông dân cần chú ý khâu làm đất thời điểm đầu vụ

Theo Chi cục BVTV, vụ hè thu 2015 toàn tỉnh sẽ xuống giống hơn 190.000ha, thời điểm hiện tại, đã xuống giống 80.257ha và lúa đang giai đoạn mạ, đẻ nhánh. So với các vụ sản xuất trước, vụ hè thu năm nay do ảnh hưởng của tình hình thời tiết khắc nghiệt nên việc phát triển của cây lúa gặp nhiều bất lợi. Đáng chú ý là từ sau Tết Nguyên đán đến nay, liên tục các đợt nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa, nhiều diện tích lúa hè thu gieo sạ sớm đang bị một số đối tượng sâu bệnh gây hại.

Bà Lê Thị Hà - Phó Phòng BVTV, Chi cục BVTV tỉnh cho biết: “Qua kiểm tra đồng ruộng đã phát hiện có ảnh hưởng của rầy di trú, tỉ lệ gây hại chỉ ở mức độ nhẹ đến trung bình. Bên cạnh đó, một phần diện tích lúa hè thu xuống giống không đảm bảo theo lịch thời vụ cũng là nguyên nhân làm xuất hiện thêm nhiều đối tượng dịch hại khác như: ốc bươu vàng, rầy nâu, nhện gié, cháy bìa lá, sâu cuốn lá gây hại rải rác. Đáng lưu ý, các đợt nắng nóng cũng là nguy cơ đất lúa bị ảnh hưởng việc thiếu nước cục bộ”.

Đối với một phần diện tích lúa HT chưa xuống giống, theo Chi cục BVTV, bà con nông dân nên chú ý khâu làm đất, do đất được chuẩn bị sau khi thu hoạch vụ đông xuân phải cày, xới và nên có thời gian cách li giữa vụ (10-15 ngày) nhằm hoai mục rơm rạ và giảm ngộ độc hữu cơ cho lúa, có thể sử dụng thêm loại thuốc Trichoderma để rơm rạ mau hoai mục. Khi làm đất nên cày hoặc xới và trục 1-2 lượt tùy loại đất. Kết hợp với biện pháp trên, bà con nông dân nên tiến hành dọn sạch cỏ dại, gốc rạ, vệ sinh đồng ruộng, diệt chuột và ốc bươu vàng gây hại. Riêng khâu bón phân cho lúa hè thu, bà con cần chú ý 3 vấn đề: phòng tránh ngộ độc hữu cơ, phèn và chọn loại phân có hiệu quả. Để tránh phèn, bà con nên bón lót vôi bột và lân cho lúa nhằm cân bằng độ PH.

Để hạn chế thiệt hại do các đối tượng sâu bệnh gây ra, Chi cục BVTV tỉnh khuyến cáo chính quyền các địa phương và bà con nông dân cần tập trung chủ động nước cho lúa, tổ chức chăm sóc, bón phân cân đối cho cây lúa theo đúng quy trình kỹ thuật “4 đúng”, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”; cần thường xuyên thăm đồng, nắm rõ diễn biến rầy nâu và các loài dịch hại khác trên ruộng lúa để có những biện pháp kịp thời. Nếu phát hiện rầy cám có màu vàng nhẹ, mật số cao hơn thì phun thuốc trừ rầy. Tuyệt đối không phun ngừa định kỳ khi mật số rầy còn thấp và không nên sử dụng thuốc phổ rộng phun cho lúa dưới 40 ngày tuổi để bảo vệ thiên địch, tránh bùng phát rầy nâu vào cuối vụ. Trong quá trình canh tác, nếu phát hiện ảnh hưởng của dịch bệnh gây hại, bà con nông dân phải báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Nhật Khánh

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn