Phú Đức thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Cập nhật ngày: 25/06/2014 12:25:00

Trong lúc nhiều nơi đang gặp khó về việc tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản thì ở xã Phú Đức, huyện Tam Nông đang khẳng định hướng đi đúng bằng mô hình cánh đồng liên kết. Phú Đức cũng là xã đầu tiên của tỉnh được chọn thí điểm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.


Cánh đồng liên kết ở xã Phú Đức đem lại hiệu quả thiết thực

Những thành công bước đầu

Về thăm vùng trọng điểm trồng lúa Phú Đức, huyện Tam Nông vào những ngày giữa tháng 6, chúng tôi thấy trên những cánh đồng, bà con nông dân đang rất tự tin với vụ hè thu 2014. Ông Võ Văn Đào, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tân Tiến (xã Phú Đức, huyện Tam Nông) phấn khởi cho biết: Kể từ khi HTX vận động các hộ xã viên thực hiện mô hình cánh đồng liên kết gắn với doanh nghiệp tiêu thụ, nông dân được hưởng lợi rất nhiều, đặc biệt chi phí các khâu sản xuất đều giảm. Cụ thể, chi phí phân bón, thuốc trừ sâu giảm trên 1 triệu đồng/ha, giá thành sản xuất giảm 365 đồng/kg lúa, lợi nhuận cao hơn từ 1,6 đến 2,7 triệu đồng/ha, nhờ đó thu nhập của bà con được nâng lên đáng kể.

Theo ông Đào, chuyện xây dựng cánh đồng liên kết ở xã Phú Đức bắt đầu từ vụ hè thu năm 2011. Khi đó, 2 HTX Tân Tiến và Phú Bình phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai thực hiện thành công mô hình thí điểm cánh đồng VietGAP trên cây lúa. Tham gia trong cánh đồng VietGAP, nông dân được cán bộ kỹ thuật hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất, hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh, ghi chép sổ tay theo dõi tình hình sản xuất và ký kết bao tiêu với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Võ Thị Thu Hà với mức hơn giá thị trường 200 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn khoảng 1,6 đến 2,7 triệu đồng/ha. Nhờ đó người dân hăng hái tham gia. Đến nay, từ 200ha trình diễn ban đầu, mô hình được nhân rộng hơn 1.700ha, với trên 1.000 hộ tham gia.

Ông Phạm Văn Đức - xã viên HTX Tân Tiến chia sẻ: “Ngày đầu triển khai mô hình VietGAP có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ, bà con trong xã chúng tôi không khỏi lo lắng, do trước đây cũng có nhiều doanh nghiệp đặc vấn đề bao tiêu nhưng đều thất bại. Tuy nhiên, niềm tin vững dần bởi cách làm của chính quyền địa phương và doanh nghiệp lần này rất khoa học”.

Ông Lê Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chọn xã Phú Đức làm xã điểm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phía huyện cũng như nhân dân xã Phú Đức rất phấn khởi và quyết tâm phấn đấu thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ. Bên cạnh những kết quả đạt được, khó khăn hiện nay là một bộ phận nông dân vẫn còn sản xuất theo thói quen không chịu tuân thủ quy trình sản xuất hiện đại. Do đó, để tiến tới phát triển bền vững mô hình cánh đồng liên kết, chúng tôi xác định vấn đề quan trọng là làm sao phát huy tối đa vai trò và trách nhiệm của tổ chức cơ sở Đảng để vận động nông dân trong HTX cũng như nông dân trong xã tham gia tích cực mô hình”.

Qua khảo sát, có 18 đảng viên ở 2 ấp K8 và K9 có đất sản xuất trong cánh đồng liên kết, huyện thống nhất với đề nghị của Đảng ủy xã Phú Đức cho thành lập chi bộ Đảng ngay tại cánh đồng liên kết. Theo đó, ngày 25/3/2014 vừa qua, chi bộ Bình Tiến thuộc cánh đồng liên kết ở xã Phú Đức được thành lập với 9 đảng viên. Sự hình thành tổ chức Đảng tại đây nhằm tăng tính chủ động, linh hoạt của cấp ủy trong lãnh đạo đảng viên, đoàn thể, người dân tích cực tham gia quá trình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo trong cánh đồng liên kết, hợp tác chặt hơn giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và nông dân; đảm bảo lợi ích, tăng thu nhập cho từng hộ canh tác; đồng thời nâng cao nhận thức về sản xuất theo nhu cầu thị trường.

Hướng đến bền vững

Bên cạnh phát huy tối đa vai trò và trách nhiệm của tổ chức cơ sở Đảng, với mục tiêu tạo ra giá trị tăng thêm cho người nông dân, huyện Tam Nông đã thực hiện Đề án tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn kết giữa người nông dân với doanh nghiệp cung ứng đầu vào và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Qua sàng lọc, huyện đã chọn các HTX có năng lực tại 2 xã Phú Đức, Phú Cường như: HTX Tân Cường, Tân Tiến, Phú Bình để đi sâu vào việc tổ chức lại sản xuất, đồng thời liên kết với Công ty Bảo vệ thực vật Sài Gòn, Công ty Phân bón Bình Điền (TP.Hồ Chí Minh) và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu - Thương mại Võ Thị Thu Hà thực hiện chuỗi liên kết nhằm giúp tăng thêm giá trị sản xuất cho người nông dân.

Ông Nam cho rằng, mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong mô hình cánh đồng liên kết, song thực tế hiện nay là người nông dân vẫn chưa đạt được lợi nhuận 30% do chi phí đầu vào khá cao. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu đề ra, trước mắt vụ thu đông năm 2014, huyện sẽ tập trung tái cơ cấu lại sản xuất bằng việc triển khai nhân rộng mô hình cánh đồng liên kết có kết nối giữa nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp cung ứng đầu vào và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm ngay từ đầu vụ.

Huyện cũng tập trung triển khai mô hình cung ứng giống mới, đạt chất lượng tại các HTX nhằm nâng cao năng suất, tạo ra cánh đồng thuần chủng cùng đồng nhất chất lượng. Bên cạnh đó, để giải quyết thêm nhu cầu đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, ngoài việc kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp thực hiện liên kết trên địa bàn, huyện sẽ tiếp tục kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng các nhà máy mới về chế biến nông sản tại địa phương.

“Huyện sẽ chỉ đạo và định hướng, hỗ trợ các địa phương xác định giải pháp, bước đi phù hợp trong việc tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp. Trong đó, điểm mấu chốt là mở rộng liên kết với doanh nghiệp một cách đa dạng. Bên cạnh đó, huyện rất quan tâm đến yếu tố con người trong quá trình chỉ đạo, thực hiện. Bởi thực tế từ các nhân tố điển hình cho thấy, khi đội ngũ cán bộ cơ sở đầu tàu, tâm huyết thì khơi dậy sự hưởng ứng tích cực của người dân” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông Lê Hoàng Nam nói.

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn