Phụ nữ vùng biên khởi nghiệp
Cập nhật ngày: 12/01/2021 09:17:03
ĐTO - Khát vọng nâng cao giá trị nông sản, nhiều bạn trẻ vùng biên đã tận dụng lợi thế địa phương, tạo ra những sản phẩm rất mới mẻ.
Minh Thùy (bìa phải) cùng Diệu, Thảo tham gia chương trình kết nối cung cầu trên địa bàn huyện Hồng Ngự
Làm “sống dậy” các phụ phẩm “vứt đi”
Đoàn Ngọc Minh Thùy (phường An Thạnh, TP.Hồng Ngự) là một trong những bạn trẻ điển hình nâng cao giá trị cho nông sản Đồng Tháp. Từ những phụ phẩm “vứt đi” trong nông nghiệp, Thùy đã tận dụng chưng cất tạo ra sản phẩm mang tên “Hương Đồng Tháp” và mang hương đi khắp nơi. Thùy kể, em xuất thân từ nhà nông nên khi thấy người thân, bà con tại quê nhà làm lụng vất vả nhưng giá trị kinh tế thu lại không bao nhiêu. Hơn nữa, nhận thấy địa phương mình có bốn mùa cây trái sum suê đến nỗi mỗi vụ mùa quýt, bưởi, cam hàng tấn quýt non, bưởi non... bị hái bỏ bớt để cho trái chất lượng hơn. Với cây sả, nông dân chỉ thu hoạch phần củ, còn phần lá bỏ đi... Cho nên, em nghĩ mình phải làm gì đó để nâng cao giá trị cho nông sản quê mình. Thế là vận dụng dụng kiến thức đã học (ngành Sinh học) em bắt đầu nghiên cứu thử cách trích ly tinh dầu từ những phụ phẩm nông nghiệp của quê mình như vỏ chanh, bưởi, quýt, tràm... Qua kết quả nghiên cứu cùng với sự hỗ trợ của thầy cô, em đã trích ly thành công các loại tinh dầu tràm, xả, chanh...
Đến nay, sau hơn 4 năm khởi nghiệp, doanh nghiệp Hương Đồng Tháp của Thùy đã sản xuất khoảng 70 loại tinh dầu, mỗi loại mang một mùi hương khác nhau. Các sản phẩm tinh dầu thiên nhiên mang thương hiệu “Hương Đồng Tháp” đã có mặt tại hàng trăm cửa hàng tiện lợi, các trung tâm chăm sóc sức khỏe, bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng... Hiện sản phẩm tinh dầu của Thùy cũng đã tham gia Chương trình OCOP của tỉnh và được xếp hạng 5 sao. Theo Minh Thùy, việc tham gia chương trình này sẽ giúp sản phẩm nâng cao được giá trị, chất lượng của sản phẩm lên một bước tiến mới. Đồng thời sẽ là động lực cho Thùy tiếp tục theo đuổi đam mê nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm mới từ chính những nông sản quê hương.
Chị Phan Thị Kim Diệu kiểm tra chất lượng sản phẩm
Phát huy lợi thế nước mắm truyền thống
Ấp ủ giấc mơ gìn giữ và phát triển nghề nước mắm truyền thống từ những ngày về làm dâu vùng đất biên giới, thế nên khi được hun đúc tinh thần khởi nghiệp từ địa phương, Phan Thị Kim Diệu (SN 1987) ở xã Bình Thạnh, TP.Hồng Ngự mạnh dạn bắt tay vào gìn giữ nghề truyền thống này. Được sự hỗ trợ của gia đình chồng, năm 2017, Diệu đầu tư cơ sở vật chất xây dựng cơ sở sản xuất nước mắm với tên “Nước mắm Dì Mười”. Theo Kim Diệu, cá linh thông thường chỉ có vào mùa nước nổi nên phải tận dụng tối đa “khai thác” nguyên liệu vào mùa này. Với 120 lu (loại lu sành) và 2 bồn lớn dùng để ủ mắm, trung bình mỗi mùa nước cơ sở thu mua hơn 1 tấn cá linh, cung cấp ra thị trường từ 500-600 lít nước mắm.
“Ngoài sản phẩm nước mắm nấu, năm 2019, cơ sở đã phát triển thêm loại nước mắm nhỉ cốt cá linh. Đây là loại nước mắm tinh túy không qua công đoạn nấu mà chỉ phơi nắng, gắn van ở gần đáy lu để rút lấy cốt cá linh từ từ. Loại nước mắm này mặc dù thời gian ủ lâu hơn so với thông thường (thời gian ủ mắm thông thường từ 8-12 tháng), giá cũng nhỉnh hơn nhưng người tiêu dùng rất ưa chuộng. Hiện nay, thông qua các kênh hội chợ trong và ngoài tỉnh, mỗi tháng, cơ sở đưa hàng trăm lít nước mắm đến với người tiêu dùng”, Diệu phấn khởi cho biết.
Chủ cơ sở nước mắm Dì Mười cho biết, sản phẩm nước mắm của cơ sở dù đã được xếp hạng 3 sao từ Chương trình OCOP của tỉnh và được thị trường biết đến nhiều, nhưng do thực tế vài năm trở lại đây mực nước thấp, nguồn cá linh ít nên để tiếp tục phát triển nghề nước mắm truyền thống này, tới đây, cơ sở sẽ đa dạng hóa thêm nhiều loại nước mắm cá đồng khác, mục tiêu là giữ gìn nghề truyền thống và đưa sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng.
Chị Thảo bên sản phẩm khởi nghiệp của mình
Khởi nghiệp từ chất lượng
Cũng với mong muốn người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm an toàn, không chất phụ gia độc hại, Nguyễn Thị Thu Thảo (SN 1987) ở TP.Hồng Ngự đã lựa chọn sản phẩm patê, chả lụa để khởi nghiệp. Hiện nay, sản phẩm patê, chả lụa của Thảo đã được đông đảo người tiêu dùng biết đến. Đặc biệt, năm 2020, sản phẩm của cơ cơ sở đạt xếp hạng OCOP 3 sao, khẳng định được chất lượng sản phẩm khi đưa đến tay người tiêu dùng. “Ban đầu, tôi không nghĩ mình sẽ làm nhiều sản phẩm như vậy, nhưng nhờ món ăn họp khẩu vị nhiều người, “tiếng lành đồn xa” nên được nhiều thực khách biết đến. Phương châm của tôi là phải đảm bảo an toàn cho khách hàng nên luôn cẩn trọng trong tất cả các công đoạn, đặc biệt là khâu chế biến. Tôi không sử dụng chất bảo quản và đây được xem là điểm cộng để nhiều thực khách ưa chuộng. Đặc biệt, vào mỗi dịp Tết, ngày nào tôi cũng phải tăng công suất gấp đôi mới đủ hàng giao cho khách”, chị Thu Thảo chia sẻ.
Hiện nay, thông qua các hoạt động vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, chị Thảo được địa phương giới thiệu tham dự các lớp tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ tham gia các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại do tỉnh, thành phố tổ chức để quảng bá rộng rãi nhiều hơn sản phẩm đến với người tiêu dùng. Với ý chí và nghị lực vượt khó, khả năng tìm tòi, sáng tạo của bản thân, chị Thu Thảo đã khởi nghiệp thành công, phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập, góp phần ổn định kinh tế.
Mẫn Nhy