Phương án phát triển hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề truyền thống
Cập nhật ngày: 27/05/2025 10:25:12

ĐTO - Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã thông qua Phương án phát triển hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề truyền thống (viết tắt là khu kinh tế, khu cụm công nghiệp) trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tỉnh thông qua Phương án phát triển hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề truyền thống (Ảnh: Nhật Khánh)
Khai thác hiệu quả tiềm năng, nguồn lực
Phát triển khu kinh tế, khu cụm công nghiệp (KKT, KCCN) tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với Quy hoạch chung của tỉnh, của vùng và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp quốc gia. Phát triển KKT, KCCN dựa trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng, nguồn lực của tỉnh, tận dụng các cơ hội đến từ hội nhập kinh tế quốc tế.
Phát triển KKT, KCCN theo hướng kết hợp chặt chẽ sản xuất với thị trường, tập trung vào các ngành công nghiệp chất lượng cao, chú trọng phát triển công nghiệp xanh, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp. Phát triển KKT, KCCN theo các quy chuẩn về môi trường, đảm bảo ổn định xã hội và an ninh - quốc phòng.
Mục tiêu phát triển là phát triển KKT, KCCN nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong tổng sản phẩm nội tỉnh. Phát triển KKT, KCCN gắn với hạ tầng giao thông, vùng nguyên liệu. Phát triển, bố trí các KCCN hợp lý về khoảng cách, không gian tạo thành vùng hoặc tuyến công nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho việc trao đổi, kết nối các chuỗi ngành hàng, đồng thời tạo động lực cho phát triển kinh tế của các đô thị. Phát triển KCCN theo phân kỳ về chỉ tiêu đất để phát triển KCCN được phân bổ cho tỉnh Đồng Tháp trong từng giai đoạn.
Phương án phát triển KKT, KCCN
Phát triển KKT cửa khẩu thành KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông - lâm - ngư nghiệp gắn với các cửa khẩu quốc tế; là trung tâm giao lưu phát triển kinh tế với Vương quốc Campuchia và các nước tiểu vùng Sông Mekong.
Về phát triển hệ thống khu công nghiệp (KCN), tiếp tục phát huy hiệu quả đối với 3 KCN đang hoạt động, đẩy nhanh đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng KCN Tân Kiều và thành lập mới 5 KCN tại những vị trí kết nối giao thông thuận lợi, đảm bảo các điều kiện hạ tầng điện, nước, thu gom, xử lý chất thải và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong KCN, với tổng quy mô phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030. Khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phê duyệt của các cấp thẩm quyền, tiếp tục thành lập 3 KCN và mở rộng 4 KCN, nâng tổng số KCN của tỉnh thành 12 khu.
Phát triển hệ thống cụm công nghiệp (CCN) là tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh 13 CCN hiện hữu và thành lập mới 19 CCN, nâng tổng số thành 32 CCN với tổng diện tích khoảng 1.623ha. Phát triển các CCN xung quanh các hành lang kinh tế, các vị trí kết nối giao thông, vùng nguyên liệu thuận lợi, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường và các dịch vụ phục vụ người lao động. Đồng thời tập trung thu hút đầu tư vào các CCN theo hướng chọn lọc, có công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, đồng thời kết hợp xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng bên ngoài hàng rào CCN...
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư
Giải pháp về xây dựng, quản lý và triển khai thực thi quy hoạch: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp về triển khai thực hiện Phương án phát triển KKT, KCCN; chủ động lập quy hoạch các KCCN để kêu gọi đầu tư, thành lập mới các KCCN nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp.
Giải pháp về xúc tiến đầu tư: nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án kêu gọi đầu tư các KCCN trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (Quyết định số 491 ngày 28/4/2021 của UBND tỉnh) theo phân kỳ đầu tư phát triển đến năm 2025, giai đoạn 2026 - 2030.
Giải pháp về cơ chế, chính sách: tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; đồng thời rà soát, đề xuất các chính sách ưu đãi (chính sách khuyến công, chính sách xúc tiến thương mại...) nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Giải pháp về nguồn nhân lực: mở rộng các hình thức đào tạo nghề, tập trung vào các ngành nghề có nhu cầu lớn như chế biến nông thủy sản, điện, điện tử, cơ khí, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, may đan... gắn chặt với nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Đồng thời thực hiện tốt các hình thức liên kết đào tạo để mở rộng quy mô, hình thức và ngành nghề đào tạo; chú trọng đào tạo lực lượng công nhân lành nghề và cán bộ quản lý có trình độ cao.
Giải pháp về bảo vệ môi trường: khi triển khai xây dựng các KCCN phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về bảo vệ môi trường; thu hút đầu tư cần ưu tiên những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm môi trường. Ưu tiên và có lộ trình đầu tư xây dựng các công trình xử lý nước thải, khu tập kết, xử lý chất thải rắn tại các KCCN để bảo đảm công tác bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về môi trường. Thường xuyên tiến hành việc đánh giá hiện trạng môi trường đối với các KCCN, các cơ sở sản xuất hiện có, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm, kịp thời đối với các doanh nghiệp, cơ sở vi phạm về môi trường.
Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 28/4/2025. Hội đồng nhân dân tỉnh giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này đảm bảo đúng theo quy định pháp luật và phù hợp với Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó, điều chỉnh tên, địa danh các địa phương, tên gọi của các cơ quan, đơn vị cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ sau khi sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của tỉnh Đồng Tháp; báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
Thanh Trúc