Quy hoạch nước và năng lượng để giữ gìn đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật ngày: 02/12/2017 15:26:05

ĐTO - Sáng 2/12, tại TP. Cần Thơ, Trung tâm Stimson phối hợp cùng các tổ chức: Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), The Nature Conservation (TNC), Trường Đại học California Berkeley (Hoa Kỳ) và Học viện Ngoại giao tổ chức buổi tọa đàm “Vai trò tiềm năng của quy hoạch nước và năng lượng ở cấp độ hệ thống trong việc giữ gìn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.


Tiến sĩ Eloise Kendy - Tổ chức The Nature Conservancy thông tin về ảnh hưởng các đập thủy điện đối với khu vực sông Mê Kông

Tại hội thảo, chuyên gia của các tổ chức trên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các cơ quan quản lý ở Việt Nam và các bên liên quan về sử dụng nguồn nước - năng lượng xuyên biên giới và các công cụ có thể áp dụng để giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc xây dựng các đập thủy điện ở hai nước Lào và Campuchia đối với ĐBSCL.

Theo các chuyên gia tại hội thảo, Lào và Campchia đang lên kế hoạch xây dựng hơn 130 con đập lớn trên các dòng nhánh của sông Mê Kông vào năm 2030. Trong đó, Lào đang đặt ra mục tiêu về phát triển các đập thủy điện để đưa quốc gia này trở thành “Bình ắc quy của Đông Nam Á” nhưng lại thiếu một quy hoạch chiến lược cấp khu vực. Điều này, gây ra các tác hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nông nghiệp và thủy sản của Việt Nam và Campuchia.

Các chuyên gia đề xuất, với việc cần thêm từ 7 - 10% điện năng phục vụ phát triển kinh tế từ nay đến năm 2030, nhưng nước ta  không thể sản xuất đáp ứng được nhu cầu. Do đó, với lợi thế là bên mua điện về phục vụ nhu cầu phát triển, nước ta có thể thương lượng với các nước láng giềng trong việc phát triển các dự án sản xuất năng lượng để góp phần giảm thiểu tổng số lượng đập xây dựng trong tương lai, qua đó giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng dân cư ở ĐBSCL.

PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) đề xuất, các ngành chức năng nước ta cần đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo từ năng lượng mặt trời và năng lượng gió để giảm thiểu sự lệ thuộc về nguồn điện của nước ngoài và các ảnh hưởng tiêu cực của việc phát triển thủy điện ở các nước thượng nguồn.

Các tổ chức tham gia hội thảo cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tác động và đề xuất đến các Bộ, ngành của nước ta thực hiện các chương trình sáng kiến nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực cho khu vực ĐBSCL.

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn