Sản phẩm xoài của Hợp tác xã xoài Mỹ Xương bị mạo danh mã số vùng trồng
Cập nhật ngày: 14/08/2020 14:56:57
ĐTO - Hơn 1 tháng qua, nhiều nhà vườn ở Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh) vô cùng bức xúc khi hai mã số vùng trồng của HTX này bị doanh nghiệp (DN) mạo danh và tùy tiện sử dụng để xuất khẩu xoài sang Trung Quốc.
Xoài của Hợp tác xã xoài Mỹ Xương bị mạo danh xuất khẩu sang Trung Quốc
Điều đáng nói là, trong tháng 6 vừa qua, phía Hải quan Trung Quốc phát hiện 220 lô xoài tươi nhập khẩu từ Việt Nam nhiễm sâu gây hại, trong đó có nhiều lô gắn các mã số vùng trồng của HTX Xoài Mỹ Xương nhưng thực tế vào thời điểm đó sản phẩm xoài ở HTX xoài Mỹ Xương đã hết vụ mùa.
Ông Võ Việt Hưng - Giám đốc HTX xoài Mỹ Xương cho biết: “Sau khi hay tin sản phẩm của HTX xoài Mỹ Xương bị mạo danh xuất khẩu và phía Trung Quốc trả về do bị nhiễm đối tượng bảo vệ thực vật, bà con trong HTX rất ngạc nhiên và bức xúc. Bởi thời điểm phát hiện các lô xoài có sâu gây hại, diện tích trồng xoài của HTX cũng đã hết vụ. Hơn nữa, các đối tác ký hợp đồng với HTX không có đơn vị nào xuất khẩu hàng sang Trung Quốc. Vì vậy, để không làm ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm xoài Mỹ Xương, chúng tôi rất mong các ngành, các cấp điều tra, xử lý để bảo vệ quyền lợi của bà con nông dân”.
Thời gian qua, tạo điều kiện thuận lợi để nông sản Đồng Tháp xuất khẩu sang Trung Quốc và các thị trường khó tính, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã hỗ trợ cho nhiều nông dân, HTX, tổ hợp tác sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh thực hiện các thủ tục về đăng ký và cấp mã số vùng trồng. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 110 mã vùng trồng cây ăn trái và 13 mã nhà đóng gói quả tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, có 23 mã vùng cây ăn trái xuất khẩu sang thị trường khó tính.
Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Hà - Phó phòng Quản lý chất lượng - an toàn thực phẩm, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, việc quản lý mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thời gian qua vẫn chưa chặt chẽ từ đơn vị cấp mã số đến địa phương. Cụ thể, chưa có văn bản hướng dẫn hoặc quy định nào về việc quản lý, bảo hộ cũng như bảo vệ những vùng trồng, nhà đóng gói được cấp mã số. Trong khi đó, hầu như các mã số được cấp đều được công bố công khai, ai cũng có thể tra cứu hoặc lấy để sử dụng. Bên cạnh đó, có một thực tế hiện nay là phần lớn nhà vườn thường bán xoài qua thương lái và các khâu sau đó (xoài được sơ chế đóng gói ở đâu, xuất bán đi ở nước nào...) thì nông dân hoàn toàn không nắm rõ.
Đây là khó khăn của nông dân cũng như khó khăn của ngành nông nghiệp trong công tác quản lý. Vì vậy, dù mùa vụ xoài ở Mỹ Xương đã dứt điểm từ tháng 4 nhưng để chứng minh lô xoài giả mạo bị Hải quan Trung Quốc phát hiện nhiễm sâu hại hồi tháng 6 không phải sản phẩm của HTX xoài Mỹ Xương cũng không phải là chuyện dễ dàng.
Không riêng mã số vùng trồng bị mạo danh mà mã số nhà đóng gói cũng được sử dụng đại trà. Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp là một trong những DN đầu tiên của Đồng Tháp được cấp mã số nhà đóng gói để xuất khẩu xoài sang Trung Quốc. Song thời gian qua, mã số nhà đóng gói của DN này bị nhiều DN sử dụng tùy tiện để xuất khẩu xoài sang Trung Quốc.
Bà Đinh Kim Nhung - Phó Giám đốc Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp chia sẻ: “Khi thị trường Trung Quốc bắt đầu áp dụng các hàng rào kỹ thuật về truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng nông sản, mã số vùng trồng và mã số nhà đóng gói là hai mã quan trọng. Do đó, DN chúng tôi đã sớm chuẩn bị mã đóng gói cho đơn vị để xuất khẩu Trung Quốc. Nhưng buồn thay, mã số nhà đóng gói của DN chúng tôi không chỉ một mình đơn vị chúng tôi sử dụng mà bị các DN khác sử dụng tràn lan từ Bắc cho đến Nam. Chúng tôi đã tìm đến những đơn vị đó nhưng đến nơi họ chỉ trả lời, phía đối tác yêu cầu sử dụng mã đóng gói nào thì sử dụng cái đó, chuyện khác họ không biết. DN chúng tôi rất bức xúc nhưng cũng không biết khiếu nại ra sao”.
Thời gian qua, do mã số nhà đóng gói của công ty bị sử dụng quá nhiều và không kiểm soát nên hiện mã số nhà đóng gói của DN bà Nhung chính thức “biến mất” khỏi danh sách được công nhận. Sắp tới, doanh nghiệp của bà Nhung từ một DN có chứng nhận cấp mã hẳn hoi thì nhiều khả năng khi xuất xoài lại phải sử dụng mã số ở đâu đó do phía thương lái Trung Quốc “cấp phát”.
Để thực hiện quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng và mã số nhà đóng gói, tránh dẫn đến nguy cơ các mã số vùng trồng bị đóng vĩnh viễn gây thiệt hại lớn cho nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đồng Tháp đã đề nghị Cục Bảo vệ thực vật tham mưu Bộ NN&PTNT ban hành thông tư hướng dẫn việc quản lý và cấp mã số vùng trồng, mã số đóng gói thực hiện chặt chẽ thông tin hai chiều, từ Trung ương đến địa phương, nhằm tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong thời gian tới.
Ở góc độ địa phương, nhằm chủ động quản lý mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói trên địa bàn tỉnh, tránh thiệt hại đến uy tín nhãn hiệu của vùng trồng, thời gian tới, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các ngành chuyên môn theo dõi chặt chẽ, ghi nhận sản lượng trái cây của từng vùng trồng đã được cấp mã, sản lượng trái cây đó được xuất bán ở thị trường nào. Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng sẽ thường xuyên kiểm tra hướng dẫn các mã số vùng trồng, nhà đóng gói thực hiện tốt các tiêu chí đánh giá theo yêu cầu, phối hợp với đoàn thẩm định kiểm tra cấp mã số vùng trồng nhà đóng gói trên địa bàn...
Mỹ Lý