Sản xuất công nghiệp và thương mại có nhiều khởi sắc
Cập nhật ngày: 13/12/2023 11:03:35
ĐTO - Năm 2023 là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Theo đó, DN phải đối mặt với tình trạng tổng cầu thế giới suy giảm, áp lực cạnh tranh và sự gia tăng rào cản kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu, cùng với đó chi phí sản xuất trong nước tăng cao... Tuy nhiên, nhờ vào sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng sự phối hợp chặt chẽ của các ngành và địa phương, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh những tháng cuối năm trên địa bàn tỉnh có những dấu hiệu khởi sắc.
Ngành chế biến cá tra xuất khẩu những tháng cuối năm có những tín hiệu khởi sắc
Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt gần 70.300 tỷ đồng, tăng 6,16% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 97,04% kế hoạch năm. Hầu hết, các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh hoạt động sản xuất tương đối ổn định và có mức tăng trưởng so với cùng kỳ.
Bước qua những khó khăn của những tháng đầu năm, hoạt động sản xuất công nghiệp trong những tháng cuối năm 2023 của tỉnh Đồng Tháp có nhiều tín hiệu lạc quan hơn. Cụ thể, đối với ngành chế biến cá tra xuất khẩu có những tín hiệu khởi sắc hơn khi các thị trường xuất khẩu chính như: Trung Quốc, EU, Mỹ... có sự tăng trưởng trở lại để phục vụ cho mùa mua sắm cuối năm. Hiện, trên địa bàn tỉnh hiện có 27 doanh nghiệp chế biến cá tra đông lạnh xuất khẩu, sản lượng thủy sản chế biến năm 2023 ước đạt 463.620 tấn, tăng 5,1% so với năm 2022 và đạt 96,58 kế hoạch.
Những tháng cuối năm, ngành chế biến lương thực của tỉnh nhà đạt được nhiều tín hiệu tích cực khi sản lượng xay xát, lau bóng gạo cả năm 2023 ước đạt 1,85 triệu tấn, tăng 38,27% so với năm 2022 và đạt 127,58 kế hoạch. Khi nhu cầu tiêu thụ thủy sản chế biến đang có những dấu hiệu tăng trưởng tích cực, người chăn nuôi phấn khởi và mạnh dạn tái đầu tư vụ nuôi mới, đưa ngành chế biến thức ăn chăn nuôi của tỉnh những tháng cuối năm tăng trưởng tích cực hơn. Theo đó, sản lượng chế biến năm 2023 ước đạt trên 1,6 triệu tấn, tăng 1,2% so với năm 2022 và đạt 92,4% kế hoạch.
Trong các nhóm ngành sản xuất công nghiệp, ngành may mặc và da giày là 2 ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất từ suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp hỗ trợ của ngành công thương, sự nỗ lực của các DN đã đưa hoạt động sản xuất của 2 ngành này trong năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực hơn. Theo Sở Công Thương, sản lượng sản xuất ngành may mặc năm 2023 của tỉnh ước đạt 9,667 triệu sản phẩm, tăng 3,65% so với năm 2022, đạt 93,85% kế hoạch. Đối với ngành sản xuất da giày cũng có tín hiệu lạc quan hơn khi thị trường nhập khẩu chính là Trung Quốc mở cửa trở lại. Theo đó, sản lượng da giày năm 2023 ước đạt 4,352 triệu đôi, tăng 6,96% so với năm 2022 và đạt 96,71% kế hoạch.
Về hoạt động thương mại, dịch vụ, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh duy trì sự ổn định và đa dạng về sản phẩm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng năm 2023 ước đạt gần 128 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2022; đạt 101,04% kế hoạch.
Theo dự báo năm 2024, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức và biến động phức tạp; cạnh tranh chiến lược, bất ổn địa chính trị, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu... ngày càng khó lường. Kinh tế và thương mại toàn cầu dự báo tiếp tục phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức.
Trước dự báo đó, nhằm giúp cho hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh nhà phát triển, Sở Công Thương đề ra nhiều giải pháp thiết thực. Theo đó, ngành công thương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các hoạt động sản xuất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, ngành công thương còn hỗ trợ DN đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt. Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình thương mại truyền thống...
MỸ LÝ