Sống chung với những mùa lũ “cạn” ở vùng thượng nguồn
Cập nhật ngày: 16/10/2020 13:50:37
ĐTO - Những năm gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu và việc nhiều đập thủy điện mọc lên ở thượng nguồn khiến cho vòng tuần hoàn của nguồn nước ở lưu vực sông Mê Kông diễn biến bất thường. Mực nước ở lưu vực sông Mê Kông giảm sút trầm trọng, đi kèm với đó là nguồn tài nguyên thủy sản ngày một cạn kiệt ảnh hưởng đến phát triển sinh kế của cư dân vùng thượng nguồn của Đồng Tháp, An Giang. Đối mặt với vô vàn khó khăn, hiện nay, người dân vùng thượng nguồn của tỉnh Đồng Tháp manh nha phát triển nhiều mô hình sinh kế mới, từng bước thích ứng với một Mê Kông đang dần kiệt nước...
Lúa chét và cỏ dại, nỗi lo cho vụ mùa mới của nông dân vùng đầu nguồn
Khi lũ “cạn” không còn là chuyện thi thoảng
Gần 10 năm qua, mỗi mùa lũ đến, chúng tôi lại sắp xếp quay lại vùng thượng nguồn đón con nước đỏ nặng phù sa tràn về đồng bằng châu thổ quê hương. Mỗi mùa lũ đi qua luôn để lại trong chúng tôi nhiều cảm xúc buồn vui.
Năm nay, mặc dù đã vào cuối tháng 8 âm lịch, vụ lúa đông xuân mới cũng sắp bắt đầu, song người dân vùng đầu nguồn vẫn héo hon ngóng nước về. Hiện nhiều cánh đồng lúa chét ở huyện Hồng Ngự, TP.Hồng Ngự vẫn xanh rì, nước chỉ ngập xăm xắp trên ruộng khoảng chừng 5 - 6 tấc, những khu vực gò cao nước không tài nào “bò” tới được. Chạy dọc theo tuyến ô bao xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự thấy lực lượng Dân quân tự vệ, Ban Nông nghiệp xã này đang cùng người dân đóng tất cả các cửa cống của ô bao hơn 750ha của xã để giữ nước mưa. Đây là chuyện hi hữu, chưa từng có tiền lệ trước đây ở vùng thượng nguồn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Thấy ánh mắt tò mò của chúng tôi, mọi người giải thích, năm nay nước quá thấp, những khu vực ruộng cao nước không tới được. Vụ đông xuân chuẩn bị tới rồi, nếu nước không ngập đồng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho vụ lúa này. Địa phương phải thực hiện giải pháp đóng các cửa cống để giữ nước mưa, nhằm tiêu diệt cỏ dại và mầm bệnh.
Đang lặn hụp dưới kênh đóng nắp cống, ông Nguyễn Văn Chúng - nông dân xã Thường Thới Hậu A lo lắng: “Mấy năm trở lại đây năm nào nước cũng thấp, phù sa không nhiều ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa. Nhưng điều đáng nói là năm nay ghi nhận mực nước thấp nhất trong lịch sử từ trước đến nay ở đầu nguồn. Chưa bao giờ người dân ở đây phải làm chuyện tức cười là đóng cống giữ nước trên ruộng như năm nay. Mấy năm trước, đầu tháng 7 nước đã tràn đồng ngập lên tới bờ đê, năm nay gần cuối tháng 8 mà lúa chét, cỏ dại mọc đầy đồng. Chưa biết vụ đông xuân tới giá lúa thế nào chứ chắc năm nay sẽ nhiều dịch bệnh và chuột bọ gây hại hơn trước”.
Với người dân ĐBSCL, mùa nước chính là mùa mang lại nguồn “nhựa sống” tưới mát cho cả vùng châu thổ phía Nam của Tổ quốc. Bởi ngoài phù sa trù phú, mùa nước nổi còn ban tặng cho người dân nơi đây nguồn cá tôm dồi dào, đây cũng là nguồn sinh kế chính của bà con vùng thượng nguồn trong mùa nước. Nhưng với những diễn biến bất thường của dòng nước sông Mê Kông những năm gần đây thì nguồn lợi thủy sản cũng như lượng phù sa đang dần cạn kiệt.
Năm 2019, với việc phát triển mô hình giữ cá tự nhiên mùa nước nổi, gia đình anh Nguyễn Chí Công (huyện Hồng Ngự) đã thu về hơn 1 tấn cá tự nhiên, tổng thu nhập trên 100 triệu đồng. Để tiếp tục phát triển mô hình này, năm nay, anh Công chuẩn bị diện tích giữ cá rộng hơn, có đầu tư múc đê bao chắc chắn. Mặc dù chuẩn bị công trình hoàn chỉnh từ hơn 1 tháng trước nhưng anh mải miết chờ nước mà vẫn không thấy tín hiệu gì của con nước về. Anh Công tâm sự: “Thời điểm này năm ngoái nước đã lên trắng đồng, lúa chét trên đồng không còn sót bông nào do cá rô, cá trắng ăn hết sạch. Mấy năm nay lũ sớm, lũ muộn thất thường không chỉ ảnh hưởng tới mô hình nuôi giữ cá tự nhiên mà những ao cá nuôi thường cũng chậm lớn”.
Theo ghi nhận của Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, mực nước và tổng lượng lũ về vùng ĐBSCL giai đoạn nửa cuối tháng 9/2020 vẫn ở mức thấp nhất trong 10 năm qua. Tại 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc, mực nước lớn nhất cuối tháng 9/2020 tại trạm Tân Châu vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 1,2m, và thấp hơn mức báo động lũ cấp 1 khoảng 1,25m. Tương ứng, tổng lưu lượng qua Tân Châu và Châu Đốc nửa cuối tháng 9/2020 có xu thế giảm, chỉ đạt 59% của TBNN, và thấp hơn cùng kỳ năm 2019 là 37%. Về dự báo dòng chảy trong đầu tháng 10/2020 tới ĐBSCL qua 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc sẽ duy trì ở mức khoảng 16.000m3/s và tổng lượng dòng chảy qua 2 trạm này dự kiến chỉ đạt khoảng 68% TBNN và tương đương với cùng kỳ năm 2019. Mực nước lớn nhất tại trạm Tân Châu trong giai đoạn này sẽ đạt khoảng 2,3m, thấp hơn giá trị TBNN cùng kỳ 1,1m và vẫn thấp hơn mức báo động cấp I khoảng 1,2m.
Nuôi lươn sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân vùng biên
Cần bắt đầu tư duy “Sống chung với những mùa không có lũ”
Khi nguồn nước và tài nguyên thủy sản ngày một khó khăn, thay vì ngồi đó chờ phép màu, chờ mùa “lũ đẹp” thì nhiều nông dân ở thượng nguồn Đồng Tháp có những cách ứng phó mới, từng bước thích nghi với một Mê Kông dần thiếu vắng lũ.
Chia tay xã Thường Thới Hậu A, ngược về vùng biên giới, chúng tôi đến khu vực xã Thường Phước 1, tại đây mực nước trên đồng cũng không khác biệt nhiều so với Thường Thới Hậu A, một vài khu vực gò cao nước không ngập tới nên nông dân chủ động xuống giống rau muống lấy hạt sớm. Những năm gần đây, nhờ rau muống lấy hạt có giá cao nên nhiều diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả được nông dân địa phương chủ động chuyển sang trồng loại rau này.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hồng Ngự, hiện toàn huyện có trên 250ha trồng rau muống lấy hạt, tập trung ở các xã: Thường Phước 1, Thường Phước 2, Thường Thới Hậu A... Hiện hầu hết các diện tích canh tác rau muống lấy hạt của địa phương đều có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra và đầu tư chi phí đầu vào, đây chính là nền tảng để nông dân địa phương an tâm chuyển đổi sang cây trồng khác ngoài cây lúa truyền thống. Ngoài ra, những năm qua, huyện đầu nguồn Hồng Ngự còn chuyển giao kỹ thuật giúp người dân phát triển nuôi lươn thương phẩm và lươn sinh sản, bước đầu những mô hình sản xuất mới đang giúp người dân phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập.
Anh Huỳnh Văn Dù, nông dân ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự chia sẻ: “Vì đặc thù ở khu vực này là đất gò cát nên trồng lúa không hiệu quả. Khác với cây lúa, rau muống không cần sử dụng nước tưới nhiều, lại phát triển tốt ở đất gò cát nên mấy năm trở lại đây, nông dân khu vực này chuyển sang trồng rau muống lấy hạt rất nhiều. Nếu canh tác tốt, trồng rau muống lấy hạt có thể lãi hơn gấp đôi so với trồng lúa”.
Với sản xuất nông nghiệp, an ninh nguồn nước và dinh dưỡng cho đất là hai yếu tố then chốt thúc đẩy nông nghiệp phát triển, song để có thể thích ứng với một Mê Kông đang khác đi, nông dân ở đầu nguồn sông Cửu Long cũng bắt đầu có những cách ứng phó khác hơn để phù hợp với điều kiện mới.
Men theo tuyến đường tuần tra biên giới, về lại khu vực ấp Giồng Bàng, xã Thường Phước 1, khác với những mùa lũ trước, ấp Giồng Bàng năm nay không còn bị chia cắt do nước ngập. Một phần vì địa phương đã đầu tư tuyến đường tuần tra biên giới dài khoảng 6km nối liền xã Thường Phước 1 với xã Thường Thới Hậu A tạo thuận lợi việc đi lại cũng như vận chuyển hàng nông sản cho bà con khu vực biên giới, phần khác do nước năm nay quá thấp, chỉ mấp mé dưới bờ kênh.
Theo giới thiệu của Phòng NN&PTNT huyện Hồng Ngự, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lê Văn Cho, một hộ dân phát triển mô hình nuôi lươn sinh sản hiệu quả ở ấp Giồng Bàng. Hơn 2 năm qua, tận dụng diện tích sân trống nhỏ hẹp trước nhà, gia đình anh Cho đầu tư nuôi 3 bể lươn giống bố mẹ, trung bình mỗi năm cung cấp trên 100.000 lươn bột cho thị trường. Theo anh Cho, doanh thu từ mô hình kinh tế mới khả quan hơn rất nhiều so với 5 công ruộng của gia đình anh đang canh tác.
Anh Cho phấn khởi: “Ban đầu tôi chỉ nuôi lươn thịt, sau đó được ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ lươn giống bố mẹ và hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn sinh sản, tôi mạnh dạn chuyển sang mô hình mới này. Thời gian đầu kết quả cũng không khả quan lắm, sau đó nhờ rút tỉa kinh nghiệm nên lươn giống đẻ hiệu quả hơn. Hiện nhu cầu lươn giống của thị trường rất lớn vì nguồn ngoài tự nhiên gần như đã cạn kiệt. Với mô hình nuôi thương phẩm và nuôi lươn sinh sản, trung bình mỗi năm gia đình tôi có thể bỏ túi khoảng 100 triệu đồng”.
Về sự chuẩn bị của địa phương trước bối cảnh mực nước tại lưu vực sông Mê Kông có nhiều thay đổi trong những năm qua, ông Võ Thành Ngoan - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp thông tin, dưới tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của con người... diễn biến mực nước lũ có thể sẽ bị thay đổi. Đối với khu vực ĐBSCL nói chung, tỉnh Đồng Tháp nói riêng, có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ lũ nhỏ, thậm chí là không có lũ...
Để chủ động trong việc sử dụng nguồn nước, Đồng Tháp đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, khí hậu, mực nước, rà soát, kiểm tra các công trình kênh mương, cống đập để chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả bảo vệ sản xuất; tăng cường các biện pháp quản lý công trình thủy lợi theo phân cấp; quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát nước để cung cấp, phân phối nước hợp lý, hiệu quả; rà soát các vùng sản xuất, khuyến cáo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.
Đối với các vùng có khó khăn về nguồn nước, các địa phương hướng dẫn người dân chuyển từ trồng lúa sang trồng một số loại cây hoa màu thích hợp. Khuyến cáo sử dụng giống lúa ngắn ngày, giống chịu hạn phù hợp với điều kiện từng vùng, địa phương. Để chủ động được nguồn nước, về lâu dài, tỉnh Đồng Tháp có thể xây dựng hệ thống hồ chứa với mục đích trữ nước để sử dụng trong mùa khô, thực hiện Nghị quyết số 291/2019/NQ-HĐND ngày 7/12/2019 của HĐND tỉnh đầu tư giai đoạn 2021 -2025, trong đó có chủ trương Xây dựng hồ trữ nước Gáo Giồng.
Khi thiên nhiên không còn hào phóng thì con người cần phải biết tự đứng trên năng lực của chính mình, tìm kiếm mô hình kinh tế mới hiệu quả và thích ứng hòa hợp với tự nhiên là cần thiết. Song, để có bước chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với tình hình mới thì bản thân người nông dân vẫn không thể tự bơi mà rất cần có sự trợ lực từ Nhà nước, chính quyền địa phương cùng các nhà khoa học. Nếu biết nhìn thấy cơ hội trong khó khăn thì có thể tin rằng mùa lũ “cạn” ở vùng đầu nguồn hôm nay sẽ là cơ hội để người dân Đồng Tháp bứt phá, vươn lên trong tương lai.
Mỹ Lý