Sức mạnh từ sự đồng thuận
Cập nhật ngày: 22/02/2015 07:21:00
Tạo được sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và nhân dân, sau hơn một năm ấp ủ, triển khai thực hiện, Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đạt được kết quả bước đầu nhiều triển vọng, dù phía trước là con đường đầy gian nan thử thách.
Nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu là một trong các thế mạnh của kinh tế tỉnh nhà
KHỞI ĐẦU TỪ NHẬN THỨC
Năm qua là năm đầu tiên Đồng Tháp triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngay từ đầu năm, ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Điều hành Đề án đã nhấn mạnh vai trò quan trọng về việc triển khai tốt công tác truyền thông để tạo nhận thức sâu và đồng bộ về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của việc thực hiện Đề án từ trong hệ thống chính trị các cấp cho đến cộng đồng các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và nông dân tỉnh nhà. Trong năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tích cực phối hợp với Ban Tuyên giáo, Trường Chính trị trong công tác biên soạn tài liệu tuyên truyền về Đề án; tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề của lãnh đạo tỉnh, UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo, Sở NN&PTNT về tái cơ cấu ngành nông nghiệp cho cán bộ các sở, ngành, đoàn thể, giáo viên, sinh viên, học sinh các trường.
Trong năm, Ban Điều hành đã phối hợp tổ chức hội thảo tham vấn 5 ngành hàng chủ lực: lúa, gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra và vịt tại huyện Tam Nông, Cao Lãnh, Tháp Mười, Châu Thành và TP.Sa Đéc. Để công tác tuyên truyền phong phú, sâu rộng, dễ đi vào nhận thức trong mọi tầng lớp nhân dân, Sở NN&PTNT, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Văn học Nghệ thuật, Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng nội dung, phương thức tuyên truyền về tái cơ cấu nông nghiệp thông qua các lĩnh vực văn học, điện ảnh, báo chí và âm nhạc... Từ sự nỗ lực trong xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện, Đồng Tháp đã xây dựng được bước khởi đầu với niềm tin, ý chí trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân đồng thuận thực hiện chiến lược quan trọng cho nền kinh tế tỉnh nhà.
NIỀM TIN VÀ HÀNH ĐỘNG
Thông qua việc tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh đang kỳ vọng sẽ tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành kinh tế mũi nhọn (tập trung tái cơ cấu 5 nhóm ngành hàng chủ lực). Đến nay, công tác cơ cấu ngành trồng trọt (cụ thể là ngành hàng sản xuất lúa gạo, xoài, hoa kiểng) được thực hiện từ khâu quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu. Đây cũng là thành quả bước đầu của tỉnh sau 1 năm triển khai thực hiện Đề án.
Trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi, thủy sản, liên quan đến ngành hàng vịt, Đồng Tháp tập trung điều tra tình hình chăn nuôi, củng cố mạng lưới thú y cơ sở, đề ra những giải pháp cụ thể nhằm phát triển ngành hàng này. Ở ngành hàng cá tra, tỉnh đã tập trung triển khai chương trình hành động của Bộ NN&PTNT và việc thực hiện Nghị định 36 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra...
Là tỉnh tiên phong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, việc triển khai các chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp được tỉnh quan tâm chú trọng. Cụ thể, củng cố và phát triển 14 HTX và 2 tổ hợp tác (THT) gắn với thương hiệu để trở thành các HTX điển hình với vai trò dẫn dắt phát triển kinh tế hợp tác. Thực hiện chương trình cho vay thí điểm mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ cá tra tại Công ty TNHH Hùng Cá, cho vay thí điểm Dự án Cánh đồng lớn theo chuỗi liên kết giá trị lúa gạo của Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Lộc Anh... Một kết quả đáng ghi nhận khác trong năm đầu tiên thực hiện Đề án là tỉnh tham gia chương trình liên kết phát triển nông nghiệp với Nhật Bản, Hàn Quốc; triển khai dự án hợp tác đầu tư nghiên cứu sản xuất hoa kiểng với Hà Lan.
Chính phủ và Bộ NN&PTNT chọn Đồng Tháp là địa phương thí điểm tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong cả nước. Nói về công tác trọng tâm thực hiện Đề án trong năm 2015, ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng Ban điều hành Đề án cho biết: "Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động đối thoại và vận động hỗ trợ của Chính phủ, các nhà tài trợ quốc tế và doanh nghiệp; xây dựng 2 dự án khoa học về chuỗi giá trị lúa gạo và cá tra trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện thí điểm các mô hình đổi mới thể chế và đổi mới tổ chức sản xuất 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh..."
Trong buổi làm việc với tỉnh Đồng Tháp vừa qua, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhận xét: "Với quyết tâm thực hiện các mục tiêu đề ra của Đề án trong năm qua, tôi nghĩ Đồng Tháp chọn được hướng đi đúng và đạt hiệu quả tốt. So với các tỉnh khác thì Đồng Tháp đạt tiến độ thực hiện khá nhanh nhưng so với chính mục tiêu đề ra của địa phương thì tôi nghĩ tỉnh nhà cần tăng tốc hơn nữa. Đã đến lúc tỉnh phải đẩy nhanh tiến độ để bắt kịp các mô hình chuỗi giá trị các nông sản chính, phải xây dựng càng sớm càng tốt, đây là khâu đột phá quan trọng nhất. Quá trình tái cơ cấu không thể diễn ra một sớm một chiều và Đồng Tháp phải có sự hỗ trợ, sự đồng lòng của các tổ chức Trung ương. Tuy nhiên, là nơi thực hiện tất cả ý định của dân, của Đảng nên tôi mong muốn và tin rằng quá trình thực hiện Đề án của tỉnh sẽ sớm đạt được tiến độ nhanh hơn...".
Thanh Hiền