Tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và những vấn đề đặt ra

Cập nhật ngày: 25/03/2016 12:53:33

Sau 2 năm triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và 5 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn Đồng Tháp có nhiều chuyển biến rõ nét, nhất là việc hình thành những mô hình sản xuất lớn, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra...


Năm 2015, diện tích cánh đồng liên kết lúa trên toàn tỉnh là 94.000ha

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh, qua hơn 2 năm với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã tạo được sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của cán bộ, ban, ngành và người dân, hiện có 91,7% người dân biết về Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Thông qua chuyển biến này đã thay đổi tư duy sản xuất nông dân, hợp tác xã (HTX). Từ đó, hình thành được nhiều mô hình sản xuất mới, chuỗi sản xuất gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ như mô hình liên kết trên lúa, xoài, dưa lê, nhãn, cá, tôm...

Đối với chương trình xây dựng NTM, qua 5 năm triển khai thực hiện, bộ mặt nông thôn có sự chuyển biến rõ nét, nhất là về đầu tư phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, góp phần tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tư tưởng ỷ lại của người dân còn phổ biến nên việc đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn chưa cao; công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân của Ban phát triển ấp chưa sâu sát; tại các địa phương được công nhận đạt chuẩn việc duy trì và phát huy kết quả bị chùn xuống, sự hài lòng của một số địa phương thấy rõ...

Về Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng thời gian tới các cấp, các ngành liên quan cần xác định rõ đối tượng tham gia tái cơ cấu là ai để có các chính sách hợp lý. Các địa phương, nhất là cấp huyện cần nhận thức lại vai trò của HTX trong phát triển kinh tế địa phương để có sự phối hợp quy hoạch kinh doanh hiệu quả. Các HTX cần củng cố năng lực quản lý để có thể làm đối tác đàm phán với doanh nghiệp trong việc tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác khởi nghiệp trong nông nghiệp tại các HTX, bởi hiện nay số doanh nghiệp trong nông nghiệp còn khá thấp. Theo Sở Công Thương, chúng ta có thể xây dựng giáo trình đơn giản về khởi nghiệp trong các trường phổ thông hoặc mở các lớp dạy về kỹ năng sản xuất giá trị gia tăng từ các sản phẩm nông sản tại địa phương, để các thế hệ kế cận có thể tiếp cận và phát huy tinh thần kinh doanh tại địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Công – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM là cuộc cách mạng thay đổi nhận thức hơn là cách mạng về kinh tế. Trong đó, Nhà nước chỉ tạo điều kiện, hỗ trợ ban đầu, hỗ trợ những gì dân không thể tự làm, quá sức dân, tạo môi trường để mọi người cùng phấn đấu, có chính sách để phát huy lợi thế, tiềm năng mỗi địa phương đều quan trọng là tuyên truyền để mỗi cá nhân tự lo cho bản thân, cho gia đình mình. Sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ trở nên vô nghĩa, thậm chí là tai họa nếu mọi người trông chờ ỷ lại. Địa phương nào cũng có tiềm năng, chỉ giàu lên khi biết khai thác lợi thế chứ không thể giàu lên bằng tiền hỗ trợ của Nhà nước.

“Siêng năng, tích cóp nghèo lên khá. Phát huy lợi thế khá lên giàu”. Một xã được công nhận NTM nếu dừng lại ở đó, không làm gì nữa thì y như mảnh ruộng mới vỡ hoang xong, nếu không canh tác thì làm gì có lúa, có khoai và tất nhiên cỏ dại lại mọc đầy. “Thay đổi là việc khó khăn, chịu nhiều sự phản kháng, thậm chí làm chậm lại tiến trình, phải trả giá. Chúng ta cần chia sẻ, đồng thuận và làm từng bước, làm thí điểm mô hình, mềm hóa các tiêu chí cho sát với thực tiễn, không tham vọng lớn, không nóng vội. Mọi sự thay đổi đều bắt đầu từ thay đổi tư duy” – ông Công cho biết thêm.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn