Tam Nông: Tích cực làm bờ bao mở rộng diện tích lúa thu đông

Cập nhật ngày: 03/08/2012 08:47:58

Với quyết tâm chống lũ bảo vệ an toàn diện tích lúa thu đông, huyện Tam Nông tích cực công tác làm bờ bao ngay từ những tháng đầu năm, được lãnh đạo Sở NN&PTNT đánh giá cao so với nhiều địa phương khác.

Xuất phát từ yêu cầu của nông dân, năm 2011, huyện thống nhất nâng cấp hệ thống bờ bao, cống và thủy lợi nội đồng để tổ chức sản xuất ở 6 ô bao với diện tích khoảng 3.605ha. Đây là năm đầu tiên huyện Tam Nông thực hiện sản xuất vụ thu đông. Tuy nhiên, năm 2011 lũ lớn và kéo dài, uy hiếp dữ dội, nhiều ô bao có nguy cơ vỡ đê nhưng nhờ sự đồng thuận của cộng đồng và sự lãnh đạo kịp thời của Huyện ủy, UBND huyện, UBND các xã, thị trấn và sự hỗ trợ của các ngành, của tỉnh nên đã bảo vệ trọn vẹn diện tích lúa thu đông với năng suất và giá bán cao, nông dân rất phấn khởi. Từ đó, qua họp dân các xã đăng ký kế hoạch năm 2012 sản xuất khoảng 8.900ha, tăng hơn 5.000ha so với năm 2011.


Xới đất làm lúa thu đông trong đê bao khép kín

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tam Nông cho biết, xác định khi thực hiện sản xuất thu đông thì cơ sở hạ tầng về đê bao, cống, thủy lợi nội đồng phải được xây dựng đồng bộ, nên ngay từ cuối năm 2011, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức họp dân lấy ý kiến thống nhất về quy mô của đê bao thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” - Nhà nước chỉ hỗ trợ xây dựng hệ thống đê bao, cống qua đê, người dân phải đóng góp theo đầu công đất để trả tiền mất đất. Sau khi họp dân có sự thống nhất về giá bồi hoàn mất đất cũng như mức đóng góp từng công đất.

Qua lập hồ sơ thiết kế và dự toán với 33 công trình bờ bao, 67 cống tròn, 13 cống hở và 1 cống hộp, 4 hệ thống thủy lợi nội đồng, có tổng kinh phí khoảng 150 tỷ đồng. Trong đó nguồn vận động trong dân gần 50 tỷ đồng, số còn lại huyện hỗ trợ từ các nguồn của ngân sách Nhà nước.

Đối với nguồn vốn xây lắp để thanh toán cho đơn vị thi công, do khó khăn chung, huyện vận động các doanh nghiệp chia sẻ bằng cách doanh nghiệp đầu tư vốn trước, huyện tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ tỉnh, Trung ương sẽ thanh toán cho doanh nghiệp dứt điểm trong 2 năm. Mặc dù ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng vì lợi ích cộng đồng các doanh nghiệp cũng sẵn lòng chia sẻ. Hiện nay các công trình đã hoàn thành 80 - 90% khối lượng đào đắp, đơn vị thi công đang tu sửa mái taluy, mặt đê để hoàn thành trước khi lũ về.

Sản xuất lúa vụ thu đông gặp rất nhiều rủi ro vì phải đối mặt với lũ chính vụ, nhất là những nơi xuống giống từ 15-7 đến 15-8 phải chống lũ trong thời điểm đỉnh lũ cao và kéo dài. “Tam Nông là một huyện thuần nông, mỗi năm chỉ sản xuất 2 vụ lúa nên thu nhập của người dân rất thấp. Sản xuất thu đông là mong muốn của người dân để tăng thu nhập và nâng cao cuộc sống. Xuất phát từ quan điểm đó, huyện đã chỉ đạo thực hiện hệ thống đê bao vững chắc và chỉ sản xuất ở những ô bao có đủ điều kiện, đồng thời phải được người dân cùng cam kết tham gia chống lũ và cộng đồng trách nhiệm khi có lũ lớn xảy ra”, ông Hồng nói.

Qua họp dân, theo báo cáo của các xã, tuy kế hoạch khoảng 8.900ha lúa thu đông năm 2012, nhưng nông dân vẫn còn ngại do hệ thống đê bao còn mới nên chỉ thực hiện ở 7 ô bao với diện tích khoảng 4.300ha. Diện tích còn lại vẫn hoàn chỉnh hệ thống đê bao, nhưng không xuống giống thu đông mà xả lũ có kiểm soát để tiến hành rút nước xuống giống sớm vụ đông xuân 2012-2013 nhằm mục đích điều chỉnh lịch thời vụ thu đông 2013 thu hoạch không nằm trong đỉnh lũ.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn