Tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm
Cập nhật ngày: 08/10/2019 18:56:49
Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Tháp có công văn gửi đến các sở, ngành và địa phương về tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các địa phương cần tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, bệnh cúm gia cầm (do các chủng vi rút cúm A/H5N1 và A/H5N6) đã xảy ra tại 11 tỉnh, thành phố trên cả nước; số gia cầm buộc phải tiêu hủy trên 23.000 con. Bên cạnh đó, kết quả giám sát chủ động cho thấy tỷ lệ lưu hành vi rút cúm gia cầm tương đối cao (khoảng 2% tổng số mẫu xét nghiệm).
Riêng tại tỉnh Đồng Tháp, từ năm 2005 đến nay đã xảy ra 6 trường hợp người tử vong do nhiễm cúm A/H5N1, kết quả giám sát lưu hành của vi rút cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh là 16,67%. Dự báo trong các tháng cuối năm 2019, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm có thể xuất hiện do thời tiết bất lợi, mật độ chăn nuôi cao, lượng vận chuyển gia cầm tăng mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan, nhất là thời điểm trước Tết Nguyên Đán.
Để chủ động trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT cần chủ động phối hợp với các ngành liên quan, UBND huyện, thị, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đăng ký hoạt động chăn nuôi, tiêm phòng định kỳ, vệ sinh tiêu độc, khử trùng và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm… Đồng thời, thực hiện nghiêm kế hoạch tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh đợt 2 năm 2019; chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra về phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT cần chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cung cấp đầy đủ các loại vật tư, vắc xin phục vụ công tác tiêm phòng cúm gia cầm đợt 2 năm 2019; hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng, kỹ thuật sử dụng, bảo quản vắc xin và xử lý các tình huống trong quá trình tiêm phòng; kịp thời đề xuất các giải pháp để chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm đạt hiệu quả. Phân công cán bộ chuyên môn tăng cường giám sát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; phối hợp, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; huy động tối đa nguồn lực của địa phương để nhanh chóng xử lý các ổ dịch, triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, không để dịch lây lan diện rộng.
Đối với UBND các huyện, thị, thành phố, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm kế hoạch tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi năm 2019. Chỉ đạo ngành chuyên môn cấp huyện, UBND cấp xã kiện toàn lực lượng; tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân, để mọi người hiểu rõ hiệu quả của việc tiêm phòng cho đàn gia cầm. Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch; thẩm định và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Tỉnh về kết quả tiêm phòng, tình trạng kinh doanh, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm làm lây lan dịch bệnh gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc xảy ra trường hợp có người bị nhiễm cúm gia cầm trên địa bàn quản lý. Rà soát, bố trí tạm thời các điểm mua bán, giết mổ gia cầm sống, sản phẩm gia cầm đúng theo quy định, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Đối với các trường hợp hộ chăn nuôi không chấp hành việc tiêm phòng và áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc cho vật nuôi theo quy định sẽ không được hưởng hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước khi có dịch bệnh xảy ra; thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại theo hướng dẫn của nhân viên thú y.
Mỹ Lý