Huyện Châu Thành

Tập trung hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới

Cập nhật ngày: 26/11/2023 05:50:40

ĐTO - Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Châu Thành nỗ lực, tập trung thực hiện hoàn thành các tiêu chí xã, huyện NTM với nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, kết cấu hạ tầng thiết yếu được đầu tư tăng cường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên...


Huyện Châu Thành tập trung phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, giảm giá thành (Ảnh: N.Khánh)

NHIỀU ĐIỂM SÁNG TRONG XÂY DỰNG NTM

Theo UBND huyện Châu Thành, năm 2011, bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM với xuất phát điểm khá thấp, các xã trên địa bàn huyện chỉ đạt trung bình 5,9 tiêu chí/xã. Tuy nhiên, sau 12 năm triển khai thực hiện chương trình, đến nay toàn huyện có 11/11 xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM; 2 xã: Tân Nhuận Đông, An Nhơn đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Đến nay, huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện nông NTM, đủ điều kiện thực hiện hồ sơ đề nghị Trung ương xét, công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Kết quả rõ nét trong quá trình nỗ lực xây dựng NTM là bộ mặt nông thôn của huyện Châu Thành có những bước đổi mới rất rõ rệt, đặc biệt là hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đi lại, giao thương góp phần nâng cao đời sống người dân.

Từ năm 2011 đến nay, huyện Châu Thành đã đầu tư nâng cấp, cứng hóa, làm mới và mở rộng 262 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 479,799km (trong đó bao gồm các tuyến đường xã, đường ấp, đường ngõ xóm, nội đồng); xây mới 537 cầu giao thông nông thôn, với chiều dài 12,058km... Các tuyến huyện lộ được trồng cây xanh tạo bóng mát dọc tuyến đường 61,8km, đạt 74,9%. Với sự đầu tư đó, 11/11 xã trực thuộc huyện thực hiện hoàn thành tiêu chí giao thông, đường xã đạt 100%, đường ấp đạt hơn 97%.

Trong quá trình thực hiện chỉ tiêu này, nhiều người dân, hội viên, các đoàn thể tích cực tham gia thực hiện xây dựng cầu đường nông thôn. Ông Nguyễn Văn Bé Hai ngụ xã Tân Bình, huyện Châu Thành cho biết: “Từ năm 2000 đến nay, tôi cùng với các anh em, mạnh thường quân chung tay xây dựng trên 170 cây cầu trong và ngoài tỉnh (Tiền Giang, An Giang, Sóc Trăng...). Riêng tại xã Tân Bình xây dựng gần 30 cây cầu lớn nhỏ, mỗi cây cầu kinh phí trung bình từ 300 triệu - 600 triệu đồng. Tôi nghĩ rằng, việc xây dựng cầu đường nông thôn giúp việc đi lại của bà con được dễ dàng, góp phần xây dựng quê hương thêm tươi đẹp”.

Đến nay, toàn huyện có 16 Trạm cấp nước tập trung đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn huyện. Toàn huyện có hơn 34.764 hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ các công trình cấp nước tập trung, đạt 90,09% (tăng 58,94% so với năm 2011). Cùng với đó, môi trường nông thôn được thay đổi, rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đảm bảo...


Hợp tác xã Nông sản an toàn An Hòa (xã An Nhơn, huyện Châu Thành) luôn chú trọng kiểm tra sản phẩm trước khi giao hàng cho đối tác

NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN

Theo UBND huyện Châu Thành, thời gian qua, địa phương triển khai nhiều giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân. Trên tinh thần đó, huyện tập trung phát huy thế mạnh về phát triển nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện, đưa giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trưởng bình quân trên 3%/năm, góp phần giải quyết việc làm cho gần 76% lao động của huyện và tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.

Hướng tới sự phát triển bền vững, huyện tập trung phát triển kinh thế tập thể. Đến nay, toàn huyện hiện có 14 hợp tác xã và 338 tổ hợp tác nông nghiệp đang hoạt động. Bên cạnh đó, huyện cũng quan tâm thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa kém hiệu quả. Từ năm 2011 đến nay, người dân chuyển đổi 6.437ha diện tích gieo trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu và các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao (sầu riêng, bưởi, xoài, mít...). Từ việc chuyển đổi sang mô hình trồng cây ăn trái, hoa màu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 5-8 lần so với trồng lúa.

Ông Lê Văn Hùng - Giám đốc Hợp tác xã nông sản an toàn An Hòa (xã An Nhơn, huyện Châu Thành) cho biết: “Thời gian qua, để nâng cao giá trị sản phẩm, đơn vị đẩy mạnh việc sản xuất theo hướng an toàn VietGAP với diện tích khoảng 113ha; có 20ha được chứng nhận GlobalGAP và 122ha được cấp mã số vùng trồng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khó tính như: Mỹ, EU... Ngoài ra, đơn vị cũng đẩy mạnh sản xuất rải vụ và tích cực phối hợp với các nhà vườn liền kề, khuyến khích sản xuất nhãn đạt tiêu chuẩn, tạo ra các vệ tinh cung ứng hàng hóa chất lượng cao phục vụ thị trường...”.


Ông Nguyễn Văn Bé Hai (ngụ xã Tân Bình, huyện Châu Thành) là người tích cực hỗ trợ, vận động xây dựng cầu Bình Tiên

Trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều gương thanh niên khởi nghiệp gắn với các chương trình OCOP, góp phần khai thác tốt vùng nguyên liệu đặc trưng, tạo đầu ra ổn định và làm gia tăng giá trị cho nông sản địa phương. Hiện, toàn huyện có 35 sản phẩm OCOP, trong đó có 18 sản phẩm OCOP là sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên...

Với những định hướng đúng đắn của địa phương cùng sự nhạy bén, sáng tạo của người dân giúp thu nhập bình quân đầu người toàn huyện năm 2023 ước đạt 61,744 triệu đồng/người, tăng 38,2 triệu đồng so với khi bắt đầu thực hiện chương trình (năm 2011 là 23,5 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm mạnh, chỉ còn 1% (giảm 12% so với năm 2011)...

Ông Phan Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho biết: “Thời gian tới, địa phương sẽ nâng cao nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của người dân trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và giảm nghèo bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh phát triển các chuỗi ngành hàng chủ lực, có tiềm năng, thế mạnh; tập trung xây dựng huyện NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Cùng với đó, tạo cơ hội cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tự lực vươn lên trong cuộc sống, làm giàu chính đáng và đóng góp vào tăng trưởng của huyện. Mặt khác, địa phương tiếp tục xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, từng bước hiện đại, đảm bảo môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp, an ninh nông thôn ổn định, bền vững...”.

NHẬT NAM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn