Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ góp phần cải thiện môi trường đầu tư
Cập nhật ngày: 05/02/2023 09:21:38
ĐTO - Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đảm bảo giao thông thông suốt, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận đất đai, trong đó tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm, quy hoạch và phát triển hệ thống các khu cụm công nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh.
Ngày 6/12/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 342/KH-UBND về thực hiện xây dựng các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 nhằm cụ thể hóa Kết luận số 203-KL/TU ngày 27/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về định hướng xây dựng các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025... Theo đó, tỉnh từng bước đầu tư những công trình giao thông trọng điểm mang tính kết nối giữa các vùng nội tỉnh với các tỉnh lân cận; các tuyến kết nối với đường trục, các tuyến giao thông trọng điểm phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa, hành khách được thuận lợi phục vụ phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, kết nối các đô thị, khu, cụm công nghiệp, các vùng nguyên liệu lớn, xây dựng nông thôn mới nâng cao, du lịch và bảo đảm an ninh - quốc phòng; tiến đến phát triển một hệ thống giao thông vận tải của tỉnh đồng bộ và liên hoàn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an ninh - quốc phòng. Trong đó, có các công trình như: nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự (giai đoạn 3) - tuyến tránh TP Cao Lãnh, xây dựng tuyến ĐT.857 (đoạn QL30- ĐT.845), Bến phà An Phong - Tân Bình và đường kết nối, hạ tầng giao thông đường bộ khu vực Nam sông Tiền, tỉnh Đồng Tháp; dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; xây dựng tuyến đường ĐT.857 (đoạn QL 30 - ĐT.845); nâng cấp hệ cầu trên đường ĐT.844 (đoạn Tràm Chim - Trường Xuân); nâng cấp mở rộng tuyến ĐT.855 (đoạn thị trấn Tràm Chim - Hòa Bình)...
Song song đó, hạ tầng mạng lưới điện, nước sạch được chú trọng đầu tư, nâng cấp; hạ tầng thông tin, truyền thông phát triển nhanh, chất lượng dịch vụ được nâng lên nhằm phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của Nhân dân.
Toàn tỉnh hiện có 3 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động: KCN Sa Đéc, KCN Sông Hậu, KCN Trần Quốc Toản và 1 KCN đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là KCN Tân Kiều (huyện Tháp Mười). Tỷ lệ lắp đầy trung bình của 3 KCN đang hoạt động đạt 99,26%. Tỉnh quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu và nhận được sự hỗ trợ từ Trung ương để đầu tư hoàn thiện các cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu mời gọi đầu tư... Đến nay, toàn tỉnh có 16 cụm công nghiệp (CCN) được thành lập, với tổng diện tích 597ha, trong đó có 13 CCN đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích 454ha, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 226/312ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 76%, 3 CCN: An Hòa, Quảng Khánh, Định An đang hoàn thiện để đưa vào hoạt động.
Các vấn đề về đất đai và giải quyết thủ tục đất đai là một trong những vấn đề phức tạp ở hầu hết các tỉnh/thành trên cả nước. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực này, Đồng Tháp vẫn duy trì được xu hướng tốt, đây là một tín hiệu rất lạc quan và đáng khích lệ. Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 của VCCI, việc “tiếp cận đất đai” tại tỉnh được doanh nghiệp đánh giá rất thuận lợi. Việc xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đất đai (GIS) phục vụ quản lý cơ sở hạ tầng đã được triển khai và đưa vào vận hành ổn định tại TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc và đang xây dựng triển khai cho các huyện còn lại. UBND tỉnh đang xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai TP Hồng Ngự, huyện Thanh Bình, huyện Châu Thành mở rộng bản đồ nền GIS để áp dụng cho các dữ liệu không gian của các chuyên ngành. Tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất, giao đất để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những dự án trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
TN