Tháp Mười nhân rộng mô hình cánh đồng liên kết

Cập nhật ngày: 09/04/2014 15:04:22

Huyện Tháp Mười là một trong những địa phương có diện tích sản xuất lúa đứng đầu của tỉnh. Nhận thấy mô hình “cánh đồng liên kết” (CĐLK) có ý nghĩa thiết thực giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và ổn định đầu ra lúa gạo, huyện đã và đang đẩy mạnh khuyến khích nông dân và doanh nghiệp tăng cường liên kết, nhân rộng mô hình.


Liên kết trong sản xuất nhằm tạo đầu ra ổn định

Lợi ích từ mô hình liên kết

Thời gian qua, nhờ có sự liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ lúa, nhiều nông dân ở huyện Tháp Mười không chỉ tránh được cảnh “trúng mùa rớt giá” mà còn có điều kiện nâng cao thu nhập, an tâm sản xuất. Ông Nguyễn Văn Dân, ở ấp 2, xã Mỹ Hòa, phấn khởi nói: “5 vụ lúa vừa qua, nhờ có liên kết sản xuất lúa và được Công ty Bảo vệ thực vật (BVTV) An Giang bao tiêu sản phẩm mà gia đình tôi không còn phải lo cho đầu ra hạt lúa. Nguồn thu nhập cũng tăng lên đáng kể bởi doanh nghiệp không chỉ đầu tư giống, thuốc BVTV, hướng dẫn các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất mà còn mua lúa giống cao hơn thị trường từ 100 - 200 đồng/kg”.

Gắn bó với đồng ruộng từ nhiều năm nay, ông Đặng Xuân Việt, ấp 4, xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười giờ đây có niềm tin hơn về cơ hội làm giàu từ cây lúa. Tham gia mô hình liên kết hơn 2 năm nay, giờ đây ông Việt cùng nhiều nông dân trên cánh đồng liên kết khá tâm đắc về kết quả mà họ có được. “Bây giờ đầu ra cây lúa mình không còn lo lắng nữa. Trước đây, có khi được mùa mất giá, trúng giá mất mùa; lúa giống làm ra nhiều nhưng khi bán không ai mua, phải bán ngang bằng giá lúa thịt, lỗ vốn. Bây giờ liên kết với công ty, có đầu ra ổn định, nên yên tâm sản xuất”.

Ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười cho biết: “Vụ đông xuân năm 2014 là vụ thứ 5, nông dân trong xã tiếp tục liên kết và tiêu thụ với Công ty BVTV An Giang. Công ty đầu tư giống và thuốc BVTV đến cuối vụ mới thu tiền và cam kết thu mua lúa tại ruộng với giá cao hơn thị trường từ 100 - 200 đồng/kg, đem lại lợi nhuận khá cao cho người nông dân. Trong năm 2014, địa phương tiếp tục vận động nông dân mở rộng diện tích liên kết với Công ty BVTV An Giang để đầu ra cây lúa ổn định.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tháp Mười, trong năm 2013, toàn huyện có 54 cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hiện đại với diện tích sản xuất hơn 14 ngàn ha. Tổng diện tích tham gia liên kết tiêu thụ là gần 4.700ha, với tổng sản lượng liên kết tiêu thụ trên 31.000 tấn, chiếm 4,5% tổng sản lượng lúa cả năm trên toàn huyện. Trong đó, diện tích thực hiện cánh đồng hiện đại vụ đông xuân 2012-2013 là trên 472ha, vụ hè thu năm 2013 gần 1.200ha và diện tích CĐLK vụ thu đông 2013 là 946ha. Theo đánh giá, tham gia mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, mỗi ha lúa nông dân đạt lợi nhuận bình quân từ 3,3 - 4,2 triệu đồng.

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Ông Nguyễn Văn Ngoan - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tháp Mười cho biết: Từ những kết quả đạt được, chính quyền và ngành nông nghiệp huyện Tháp Mười xác định cần phải đẩy mạnh việc mở rộng mô hình CĐLK và các mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ trong vụ lúa đông xuân 2013-2014 và các vụ lúa tiếp theo. Trong đó, tổng diện tích thực hiện CĐLK trong năm 2014 dự kiến là 6.000ha, với hơn 1.000 hộ tham gia, tăng hơn so với những vụ trước.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã liên kết sản xuất với nông dân tại Tháp Mười như: Công ty Cổ phần BVTV An Giang, Công ty Lương thực Đồng Tháp, Công ty Lương thực Vĩnh Hưng... Vụ thu đông năm 2013, huyện tiếp tục mời gọi thêm nhiều công ty mới như: Công ty Lúa gạo Cẩm Nguyên, Công ty TNHH XNKTM Võ Thị Thu Hà... Tùy điều kiện và nguồn lực, từng công ty có những chính sách đầu tư cho nông dân khác nhau, nhưng đều có chung mục đích là mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân, đảm bảo tính ổn định, nâng cao thu nhập và tay nghề cho người nông dân.

Tuy nhiên, khó khăn trong việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp hiện nay là nhiều nông hộ sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu liên kết. Trong khi đó, doanh nghiệp rất ngại thương thảo, ký hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với nhiều hộ có qui mô sản xuất nhỏ trong một khu vực sản xuất vì khó tìm được tiếng nói chung. Chính từ thực tế này, địa phương rất quan tâm đến vai trò làm cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp; tích cực tuyên truyền, vận động nông dân hình thành các câu lạc bộ, tổ hợp tác và hợp tác xã để dễ liên kết, hợp tác với doanh nghiệp.

Bên cạnh việc quan tâm tuyên truyền, vận động nông dân và doanh nghiệp cùng tìm tiếng nói chung, Huyện ủy, UBND huyện đã yêu cầu các xã quan tâm mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp liên kết cùng người dân. “Tin rằng với sự hưởng ứng tích cực của doanh nghiệp và sự đồng hành của người dân, mô hình CĐLK và các mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ lúa và các loại nông sản sẽ được nhân rộng khắp các địa bàn. Qua đó, giúp nông dân và doanh nghiệp ổn định đầu vào và đầu ra sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất” - ông Ngoan nói.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn