Thống nhất nhiều nội dung đề cương Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười
Cập nhật ngày: 26/05/2017 17:08:10
Ngày 26/5, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chủ trì buổi làm việc với đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Trường Đại học Cần Thơ về việc góp ý đề cương và dự toán kinh phí Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Lúa gạo - sản phẩm thế mạnh của tiểu vùng Đồng Tháp Mười
Theo đề cương của đề án, phạm vi không gian thực hiện của đề án bao gồm 22 huyện, thị, thành của 3 tỉnh. Đối tượng tham gia vào đề án là nông dân, doanh nghiệp, nhà nước, nhà khoa học, các tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ.
7 lĩnh vực chính được các tỉnh thống nhất thực hiện trong đề án là: thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng chuỗi ngành hàng và phát triển thương hiệu tiểu vùng (lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái); xây dựng vùng sản xuất; phát triển công nghiệp chế biến, xúc tiến thương mại du lịch sinh thái; quản lý tài nguyên nước và đa dạng sinh học tiểu vùng Đồng Tháp Mười; nâng cấp và phát triển kết cấu hạ tầng và kết hợp với du lịch; khuyến nghị chính sách và cơ chế điều phối; đề xuất chương trình, dự án phát triển tiều vùng liên quan đến phát triển nông thôn, giảm nghèo, ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước.
Kinh phí thực hiện Đề án trên 2,7 tỷ đồng. Dự kiến tháng 9/2017, đề án hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại buổi làm việc, 3 tỉnh đã thống nhất nhiều nội dung trong bản đề cương đề án. Ngoài ra, sở, ngành các tỉnh cũng góp ý một số nội dung liên quan như: bổ sung thêm mục thị trường đầu ra đối với các sản phẩm thế mạnh của tiểu vùng; tổng hợp các điểm mạnh, yếu để đưa các ra chiến lược thực hiện; kinh phí thực hiện đề án,...
Kết thúc cuộc họp, 3 tỉnh thống nhất mời Trường Đại học Cần Thơ hỗ trợ kỹ thuật xây dựng đề án Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười theo khung đề án, đề cương và dự toán kinh phí đã được các bên thống nhất.
K.D