Thu nhập ổn định từ nghề làm bánh tráng

Cập nhật ngày: 16/09/2013 05:53:25

Xã Tân Phước (huyện Lai Vung), hiện có hơn 40 hộ dân tham gia sản xuất bánh tráng, tập trung nhiều ở 3 ấp: Tân Mỹ, Tân Thuận, Tân Phú, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động tại địa phương.


Nghề làm bánh tráng đã có hơn 30 năm tại xã Tân Phước,
huyện Lai Vung

Có gia đình 3 đời theo nghề làm bánh tráng. Ngoài mục đích mưu sinh, họ còn muốn gìn giữ nghề mà cha ông để lại như giữ nét văn hóa truyền thống. Làm bánh tráng tuy thu nhập không cao so với nghề khác, nhưng lợi thế của nghề là xoay vòng vốn nhanh. Bình quân, thu nhập khoảng 2-3 triệu đồng/người/tháng.

Cô Phạm Thị Khoa, làm bánh tráng lâu năm ở Tân Phước cho biết: “Tôi theo nghề hơn 30 năm nay. Nghề này được bà ngoại truyền lại cho mẹ, mẹ truyền lại cho tôi. Tôi làm thủ công được khoảng 700 cái bánh/ngày, người giỏi hơn có thể làm được 1.000 - 1.200 cái/ngày. Cứ gạo 50kg gạo, làm ra sản phẩm lời từ 200.000 - 300.000 đồng. Số tiền lời tuy không cao nhưng có đồng ra đồng vào, đủ trang trải chi phí cho gia đình 3-5 nhân khẩu”.

Theo người trong nghề, có được những chiếc bánh tráng thơm ngon, quan trọng nhất phải kể đến là khâu chọn gạo. Gạo phải thật tốt, ngon, đem ngâm 2-3 ngày, xay thành bột, bột phải xay thật mịn bánh mới dai và dẻo. Người tráng bánh phải thật khéo tay, nhanh nhẹn thì chiếc bánh mới tròn, mỏng đều. Ngoài ra, người làm bánh tráng phải thường xuyên theo dõi các dấu hiệu của thời tiết, đón được trời mưa hay nắng thì mới quyết định tráng bánh.

Ngày nay, nhiều công đoạn làm ra chiếc bánh tráng hoàn chỉnh đã được cải tiến hơn so với trước, giúp cho người làm bánh đỡ vất vả hơn. Bánh tráng được các thương lái từ Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, TP.Hồ Chí Minh thu mua, vì thế vấn đề đầu ra tương đối ổn định.

Ông Phan Văn Trọi - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phước cho biết, nghề làm bánh tráng ở xã ra đời cách đây hơn 30 năm, hoạt động chủ yếu theo tính chất truyền thống, nghề này tập trung và thu hút nhiều lao động nữ. Thời gian qua, UBND xã thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ các hộ thiếu vốn đang theo nghề làm bánh tráng (3 triệu đồng/người), với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng.

Bên cạnh đó, UBND xã thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật giúp nâng cao tay nghề sản xuất, chú trọng công tác tuyên truyền bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chí “5 không, 3 sạch” của Trung ương Hội Phụ nữ phát động. Từ đó, thúc đẩy việc phát triển mạnh hơn nghề làm bánh tráng truyền thống, thu hút thêm nhiều lao động, cải thiện cuộc sống gia đình.

Nhật Khánh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn