Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khảo sát vùng sản xuất Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 29/08/2024 15:28:25

ĐTO - Sáng ngày 29/8, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn đến tham quan mô hình sản xuất lúa theo Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030” (viết tắt Đề án) tại Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười. Đây là HTX đầu tiên thí điểm Đề án tại tỉnh Đồng Tháp, với diện tích thực hiện 43,1ha, 20 hộ dân tham gia.


Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam (thứ 2 từ phải sang) khảo sát mô hình sản xuất lúa theo Đề án 1 triệu ha tại Hợp tác xã Thắng Lợi, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười

Mô hình thực hiện trong vụ thu đông năm 2024 (xuống giống từ ngày 12-13/6/2024), giống lúa OM18, áp dụng quy trình canh tác bền vững (sạ cụm, sạ hàng kết hợp vùi phân; giảm giống (70kg/ha); quản lý nước "ướt khô xen kẽ"…). Ước năng suất bình quân đạt 6,9 tấn/ha, sản lượng bình quân ước đạt 300 tấn, lợi nhuận cao hơn 2.255.000 đồng/ha (106,34%) so với đối chứng, đặc biệt là thu nhập tăng thêm 800.000 đồng/ha so với đối chứng từ việc bán rơm sau thu hoạch.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc HTX Thắng Lợi, bước đầu nông dân trong HTX đã có sự đồng thuận rất cao trong việc thực hiện mô hình, với các quy trình canh tác mới (giảm giống, phân thuốc, bón phân vùi, ghi chép sổ sách…). Ước tính lúa sản xuất trong mô hình sẽ giảm được khoảng 30% chi phí. Hiện HTX đã ký kết với đơn vị liên kết đầu ra, với giá thị trường cộng 100 đồng/kg. Từ hiệu quả mô hình, hiện có thêm nhiều nông dân đăng ký tham gia mô hình. Dự kiến vụ đông xuân 2024-2025, HTX sẽ tăng diện tích sản xuất lên 150ha.


Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc tại UBND huyện Tháp Mười
  

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam bày tỏ sự phấn khởi với những kết quả bước đầu triển khai Đề án tại HTX Thắng Lợi, nhất là nông dân xin tham gia mô hình thí điểm ngày càng nhiều, đây là một điều khá hiếm so với các mô hình trước đây. Cùng với việc giảm 30% chi phí sản xuất, việc mô hình bước đầu hình thành được cơ chế liên kết sản xuất cũng được Thứ trưởng đánh giá cao và yêu cầu địa phương tiếp tục theo dõi, hỗ trợ để mô hình tiếp tục phát huy hiệu quả.

Thứ trưởng lưu ý địa phương, nhất là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện mô hình thực hiện theo quy trình canh tác bền vững nhưng từ thực tế canh tác, đơn vị thực hiện mô hình cần theo dõi, ghi chép, xây dựng quy trình canh tác, tập hợp thành bộ tài liệu cụ thể, để làm cơ sở rút kinh nghiệm, tập huấn cho đội ngũ khuyến nông, nông dân, HTX… nhân rộng ra toàn tỉnh.

Đồng Tháp là 1 trong 5 tỉnh được Bộ NN&PTNT lựa chọn thí điểm Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Tham gia Đề án, Đồng Tháp đăng ký diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh đến năm 2025 là 70.000 ha và đến năm 2030 là 163.000 ha, tại 8 huyện, thành phố gồm: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười, TP Hồng Ngự, Lấp Vò.   

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn