Thủ tướng đối thoại với nông dân nhiều vấn đề về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn

Cập nhật ngày: 30/12/2023 17:51:29

ĐTO - Ngày 30/12, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023, chủ đề "Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững".

Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì; Báo Nông Thôn Ngày Nay, Báo Điện tử Dân Việt tổ chức thực hiện, với sự tham dự của 300 đại biểu tại Văn phòng Chính phủ, trong đó có trên 70 nông dân tiêu biểu, đại diện cho 10,2 triệu hộ hội viên nông dân cả nước.

Hội nghị cũng kết nối trực tuyến tại điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố. Tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp, có sự tham dự của đồng chí Phan Văn Thắng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Phạm Thiện Nghĩa – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cùng đại diện nhiều hộ nông dân tiêu biểu …


Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp

Theo đồng chí Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 diễn ra ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 46- NQ/TW ngày 20/12/2023 về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới và Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam (nhiệm kỳ 2023- 2028) kết thúc thành công tốt đẹp với bài phát biểu chỉ đạo quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vì thế, Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là sự động viên, khuyến khích to lớn đối với cán bộ, hội viên nông dân cả nước.

Sau thời gian tổ chức lấy ý kiến rộng rãi chuẩn bị cho hội nghị, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã nhận được gần 2.000 đề xuất, nguyện vọng, kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân, các chuyên gia, nhà khoa học, Nhân dân cả nước gửi gắm đến người đứng đầu Chính phủ. Điều này, thể hiện niềm tin, kỳ vọng lớn của bà con nông dân đối với Thủ tướng Chính phủ.

Tại hội nghị, có nhiều ý kiến đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ như: ưu tiên triển khai phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp sinh thái, thúc đẩy chuỗi liên kết đa giá trị; quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ nông dân khi tham gia Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng đồng bằng sông Cửu Long; các giải pháp thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp như: hỗ trợ, trang bị thiết bị chuyển đổi số, hạ tầng mạng, viễn thông, công tác tập huấn, thông tin tuyên truyền về chuyển đổi số; giải pháp, chính sách trong việc xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn, nhất là ô nhiễm nguồn nước ở sông, kênh mương, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa khoa học… Lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương cũng chia sẻ với nông dân nhiều thông tin về chính sách, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn, các vấn đề liên quan đến nông dân…

Trên cơ sở đối thoại, Thủ tướng xem xét, quyết định các giải pháp, chỉ đạo ngay tại hội nghị nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát huy sự sáng tạo để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững.

Thủ tướng cũng trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương nhanh chóng giải quyết những vướng mắc, trăn trở của bà con nông dân, cũng như nhu cầu chính đáng của nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tiến tới xây dựng chuỗi giá trị liên kết, thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh…

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn