Huyện Tam Nông
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành hàng lúa gạo theo chiều sâu
Cập nhật ngày: 20/07/2023 13:34:57
ĐTO - Là một trong những địa phương có diện tích canh tác lúa lớn của tỉnh, thời gian qua, nông dân huyện Tam Nông đã thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng nhiều giải pháp mới, từng bước đưa chuỗi sản xuất lúa gạo ở địa phương phát triển theo hướng gia tăng giá trị và thân thiện với môi trường, góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Mô hình canh tác nông nghiệp sinh thái của xã Phú Thành A, huyện Tam Nông
Nhân rộng các mô hình sản xuất lúa an toàn, thân thiện với môi trường
Thay vì chú trọng đến năng suất như trước đây, nông dân xã Phú Thành A quan tâm đến chất lượng sản phẩm và giá trị từ chuỗi sản xuất lúa. Với tư duy đó, nông dân tại đây tham gia thực hiện mô hình canh tác nông nghiệp sinh thái.
Ông Nguyễn Văn Nhỏ ngụ xã Phú Thành A, huyện Tam Nông, tâm sự: “Gắn bó với nghề trồng lúa mấy chục năm qua, tôi nhận ra một điều nếu mải miết chạy theo “cuộc đua” tăng năng suất thì đến cuối vụ lợi nhuận không còn được bao nhiêu, vì chi phí đầu tư cho vật tư nông nghiệp quá lớn. Bên cạnh đó, việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và người sản xuất. Do đó, những năm gần đây, tôi bắt đầu chuyển hướng sang áp dụng các mô hình sản xuất lúa theo hướng an toàn, tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới như: giảm lượng giống gieo sạ, áp dụng máy sạ cụm và bón vùi phân hữu cơ, sử dụng biện pháp tưới tiêu chủ động, nuôi xen canh vịt vào ruộng lúa giúp hỗ trợ quản lý cỏ dại, loại trừ sinh vật gây hại... Đặc biệt là mô hình nuôi trữ cá đồng mùa lũ. Tôi nghĩ rằng, muốn sản xuất lúa bền vững cần phải thay đổi cách làm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đầu ra sản phẩm đạt chất lượng. Đây sẽ là đòn bẩy quan trọng góp phần tăng lợi nhuận sản xuất thay vì cứ tập trung vào sản lượng...”.
Không dừng lại đó, nhiều nông dân trồng lúa trên địa bàn huyện Tam Nông áp dụng rộng rãi các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, canh tác lúa an toàn, giảm phát thải nhà kính... Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông, năm 2023, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn. Một số mô hình sản xuất lúa an toàn, hiệu quả đang được triển khai ở các địa phương như: mô hình canh tác nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ gắn với liên kết tiêu thụ nông sản ở xã Phú Thành A và Tân Công Sính; mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP thuộc Dự án GIC tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phú Thọ, xã An Long; mô hình ứng dụng máy sạ cụm kết hợp sản xuất lúa hướng hữu cơ được triển khai tại các xã: Phú Đức, Tân Công Sính và Phú Thành A... Các mô hình đang từng bước giúp nông dân thay đổi tư duy, tập quán canh tác, góp phần đưa nông nghiệp phát triển theo hướng chất lượng, hiệu quả và bền vững.
Quy trình sản xuất gạo lứt của Cơ sở sản xuất gạo lứt và bột gạo lứt huyết rồng Năm Đấu
Đẩy mạnh chế biến
Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất lúa an toàn, chất lượng, cung cấp sản phẩm lúa hàng hóa cho doanh nghiệp, thời gian qua, một số nông dân ở huyện Tam Nông bắt đầu quan tâm đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực chế biến gạo. Việc nối dài chuỗi sản xuất trong ngành hàng này vừa giúp gia tăng giá trị cao hơn cho hạt lúa, vừa là giải pháp giúp nông dân chủ động hơn trong khâu tiêu thụ.
Với quyết tâm mang lại giá trị gia tăng cho chuỗi sản xuất lúa gạo tại địa phương, năm 2018, ông Lê Văn Đấu ở xã Phú Thành A, huyện Tam Nông bắt đầu sản xuất thí điểm giống lúa huyết rồng. Nhận thấy lúa huyết rồng phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương và nhu cầu thị trường, năm 2019, ông Đấu mạnh dạn chuyển hết diện tích 10ha sản xuất lúa hàng hóa sang trồng lúa huyết rồng theo hướng hữu cơ.
Sau khi mở rộng diện tích sản xuất, ông Đấu đầu tư nhà xưởng chế biến và xay xát gạo để phục vụ người tiêu dùng. Để giúp cho sản phẩm gạo huyết rồng của Cơ sở sản xuất gạo lứt và bột gạo lứt huyết rồng Năm Đấu đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu của đối tác, năm 2021, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tam Nông chủ động tham mưu, đề xuất Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Tháp hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc phục vụ sản xuất.
Nhờ sự “trợ lực” kịp thời, sản phẩm gạo của Cơ sở sản xuất gạo lứt và bột gạo lứt huyết rồng Năm Đấu đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu khắt khe của người tiêu dùng và đối tác. Chia sẻ về con đường “khoác áo mới” cho sản phẩm nông sản, ông Lê Văn Đấu - chủ Cơ sở sản xuất gạo lứt và bột gạo lứt huyết rồng Năm Đấu, tâm sự: “Xuất phát điểm là nông dân nên con đường khởi nghiệp của tôi khá gian nan. Tuy nhiên, trong suốt những năm qua, nhờ sự đồng hành và giúp đỡ kịp thời từ chính quyền địa phương, của tỉnh đã đưa sản phẩm nông sản của tôi đến gần hơn với thị trường. Với sự hỗ trợ đầu tư trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, giúp cơ sở chủ động hơn trong sản xuất, đáp ứng tốt nhu cầu của các đối tác”. Hiện tại, Cơ sở sản xuất gạo lứt và bột gạo lứt huyết rồng Năm Đấu đang liên kết cung cấp sản phẩm gạo huyết rồng cho một số doanh nghiệp và đối tác trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Đặc biệt, một số sản phẩm chế biến của cơ sở được cung cấp thường xuyên trên các nền tảng mua sắm trực tuyến.
Có thể thấy, với những thay đổi trong tư duy sản xuất của người nông dân, việc quan tâm hướng đến đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, giúp nông dân trồng lúa của huyện Tam Nông tạo ra được nhiều giá trị gia tăng cho chuỗi sản xuất lúa gạo. Để ngành hàng thế mạnh của địa phương phát triển theo chiều sâu, rất cần có sự chung tay của người nông dân, chính quyền địa phương và doanh nghiệp.
MỸ LÝ