Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong năm 2017
Cập nhật ngày: 23/01/2017 07:00:22
ĐTO - Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương tại buổi họp mặt đầu năm với các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh diễn ra vừa qua. Bí thư tỉnh ủy Lê Minh Hoan dự và phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Ra mắt Hội doanh nghiệp lúa - gạo Đồng Tháp. Ảnh: M.NHÂN
Năm khởi nghiệp
Năm 2016 được đánh giá là năm mà DN phải đối diện với nhiều thách thức, từ áp lực tăng trưởng nền kinh tế trong nước cho đến những biến động kinh tế trên thế giới... Mặc dù vậy, Đồng Tháp vẫn nhận được sự tín nhiệm của các DN thông qua việc tăng quy mô sản xuất và mở rộng đầu tư. Theo đó trong năm, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 50 dự án quan trọng; có hơn 400 DN thành lập mới, với vốn đầu tư trên 2.500 tỷ đồng.
Không chỉ mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đáng chú ý, nhiều DN khởi nghiệp đã bắt nhịp được nhu cầu thị trường và có kế hoạch mở rộng đầu tư ra các thị trường nước ngoài nhằm đón nhận và khai thác cơ hội kinh doanh mới.
Cụ thể, có 4 DN đạt giải cao trong cuộc thi khởi nghiệp do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA) tổ chức. Điều này cho thấy, xu hướng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, các DN khởi nghiệp khi muốn hội nhập vào “sân chơi toàn cầu” đòi hỏi phải có sự nhạy bén, linh động trong phát triển kinh doanh, trong đó chú trọng vào cái thị trường cần chứ không phải cái mình có sẵn.
Liên quan đến tiến trình hội nhập, bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Retali & Franchise Asia (cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho chính phủ Malaysia) chia sẻ, trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại, do đó các DN cần mạnh dạn thay đổi để phù hợp với xu thế thị trường. Trong đó, phải đặt ra mục tiêu, xây dựng kế hoạch đạt mục tiêu đó và có chiến lược để toàn thể DN hướng đến mục tiêu.
Từ những chia sẻ trên cho thấy, vấn đề ưu tiên đối với các DN là phải đẩy mạnh thương hiệu Việt và nâng cao năng suất, chất lượng nếu muốn tham gia sân chơi toàn cầu” - bà Vân khuyến nghị.
Văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân: Hành trình phát triển bền vững
Về xu hướng tiêu dùng của thế giới và sản phẩm bản địa, xu hướng của nền kinh tế thế giới là bảo vệ tài nguyên bản địa hướng tới bảo vệ thiên nhiên và phát triển tri thức văn hóa cho thế hệ tương lai. Do vậy, muốn đáp ứng nhu cầu về sản phẩm đặc sản địa phương cho thế giới, DN phải “rà đúng tần số” mà người tiêu dùng đang suy nghĩ về đặc sản địa phương theo đúng nghĩa.
“Tôi đề nghị chúng ta nên tư duy lại về kinh doanh đặc sản, chúng ta không phải là đi mua bán đặc sản mà là kinh doanh, đặc sản không phải là những món hàng mà là sản phẩm và dần dần nâng lên thành tác phẩm thì mới bán được và bán cao hơn gấp 5-10 lần giá trị sản phẩm. Muốn vậy cần có sự kết hợp 3 yếu tố: “cung – cầu – truyền thông” - bà Vũ Kim Hạnh – Giám đốc Trung tâm BSA đề nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương tặng quà lưu niệm cho các doanh nghiệp
Đồng tình với những nhận định của các diễn giả, nhiều DN tham dự hội nghị cho rằng, vấn đề kinh doanh sản phẩm đặc sản địa phương đang là một xu thế tất yếu mà DN đang hướng đến. Đây là một trong những kênh hiệu quả mà DN trong và ngoài tỉnh đang đặt ra mục tiêu đầu tư trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, DN mong muốn trong quá trình đầu tư vào những mô hình sản phẩm mới sẽ nhận được sự hỗ trợ của tỉnh để hoạt động hiệu quả.
Cam kết sẽ luôn đồng hành với DN, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan mong muốn trong tiến trình hoạt động DN nên mạnh dạn nêu lên những điểm nghẽn trong quá trình hoạt động để lãnh đạo tỉnh và các ngành khai thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN hoạt động. Bí thư cũng lưu ý các DN về vấn đề văn hóa doanh nhân, DN – Hành trình phát triển bền vững. Đây chính là nền tảng quan trọng nhất giúp DN phát triển bền vững trong xu thế hội nhập, đó là văn hóa hợp tác, văn hóa liên kết, văn hóa kinh doanh...
Mỹ Nhân