Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Cập nhật ngày: 15/07/2015 12:39:12
Thời gian qua, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đóng góp vào ngân sách nhà nước năm 2014 là 391 tỷ đồng, quý 1 năm 2015 là 69 tỷ đồng. Riêng DN mới thành lập giải quyết khoảng 32.000 lao động. Theo thống kê của tỉnh, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có khoảng 2.100 DNNVV được thành lập, gồm nhiều loại hình, với tổng vốn điều lệ đăng ký ước trên 8.000 tỷ đồng.
Mặt hàng gạo là một trong những sản phẩm được tỉnh đẩy mạnh tìm kiếm thị trường
Xác định vai trò quan trọng của DN trong sự phát triển kinh tế - xã hộ của địa phương, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp quán triệt phương châm “Đồng hành cùng DN”, thường xuyên gặp gỡ các DN nhằm tìm hiểu, chủ động, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho từng DN trong quá trình sản xuất kinh doanh. Với chủ trương đề ra, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, thay đổi lề lối làm việc, thay đổi tư duy về quản lý DN và nhận thức về vai trò quan trọng của DN. Rút ngắn tối đa thời gian đăng ký DN. Từ năm 2013 đến nay, tổng thời gian cấp đăng ký DN chỉ còn lại 3 ngày và thủ tục làm con dấu chỉ còn lại 2 ngày làm việc.
Một trong những điểm sáng trong công tác hỗ trợ DN là nhà đầu tư chỉ cần đến một nơi duy nhất là Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh để được hướng dẫn thủ tục, nộp hồ sơ và nhận kết quả về việc thực hiện dự án đầu tư. Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh cũng đã cung cấp và hỗ trợ cho DN cài đặt, sử dụng các ứng dụng phần mềm hỗ trợ kê khai thuế, phần mềm đăng ký mã số thuế cá nhân qua mạng giảm chi phí, thời gian và tài chính cho DN. Đến nay có khoảng 2.800 DN thực hiện kê khai thuế điện tử; thực hiện việc kê khai thuế theo quý, năm. Đối với thủ tục hải quan, Cục Hải quan chính thức triển khai áp dụng hệ thống thủ tục hải quan điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của tổ chức, cá nhân.
Để giúp DN tiếp cận được nguồn vốn, tỉnh đã thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV với vốn điều lệ ban đầu là 30 tỷ đồng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện một số giải pháp hoạt động tín dụng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn cho các DN. Tính từ năm 2011 đến tháng 2/2015, tổng số bộ hồ sơ đề nghị vay vốn tại các Chi nhánh Ngân hàng thương mại là 792.548. Các tổ chức tín dụng đã giải quyết cho vay 789.904 hồ sơ, trong đó giải quyết cho vay khách hàng DN là 8.705 hồ sơ.
Để DN nắm bắt kịp thời thông tin thị trường, tỉnh đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại trong và ngoài nước như: Bỉ, Mỹ, Tây Ban Nha, các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất, Nhật Bản, Pháp, Liên bang Nga, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan,... tập trung chủ yếu xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng gạo, thủy sản, bánh phồng tôm, thực phẩm chế biến.
Dù có sự hỗ trợ của tỉnh, nhưng khó khăn hiện nay của DN là thiết bị, máy móc lạc hậu không còn phù hợp với trình độ phát triển khoa học - kỹ thuật hiện nay. Đa số các DN chỉ áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng ISO, HACCP, IFS, GlobalGAP... mà chưa quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ.
Trình độ quản lý của DN còn yếu kém, chưa chủ động xây dựng chiến lược lâu dài làm giảm khả năng cạnh tranh của DN trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đầu ra của sản phẩm. Đây cũng là rào cản lớn trong quá trình phát triển và hội nhập của DN. Đến nay, các DNNVV trong cùng một ngành chưa có liên kết hiệp hội ngành, nghề để hỗ trợ và giúp đỡ nhau cùng phát triển.
K.D