Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội
Cập nhật ngày: 18/09/2024 13:25:41
ĐTO - Bà Trần Thanh Trúc - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Đồng Tháp trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đồng Tháp
Phóng viên (PV): Xin bà điểm lại những kết quả nổi bật nhất qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) (viết tắt là Chỉ thị số 40-CT/TW)?
Bà Trần Thanh Trúc - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Tháp
Bà Trần Thanh Trúc: Điểm nổi bật nhất là các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm, tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả TDCSXH, nhất là chỉ đạo tập trung nguồn lực tài chính, bố trí ngân sách ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo động lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi các Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp...
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn, dư nợ cho vay tăng gấp nhiều lần so với năm 2014. Đặc biệt là nguồn vốn từ ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện ủy thác sang NHCSXH để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tăng hơn 13 lần so với năm 2014; dư nợ cho vay đạt 5.266 tỷ đồng, tăng hơn 3.226 tỷ đồng so với năm 2014, qua đó đã giúp hơn 858.900 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay, tạo việc làm cho 127.821 lao động, trong đó có hơn 12.900 lao động được vay vốn đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; xây dựng hơn 445.200 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường, 139 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn, 46.177 ngôi nhà được xây dựng mới và cải tạo, 79.070 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, 12 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập được vay vốn... Thông qua nguồn vốn đã giúp 60.497 lượt hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,51% (giảm 5,97% so với năm 2014), góp phần để 115 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế ở nông thôn...
PV: Trong các kết quả đã đạt, bà tâm đắc nhất với những việc gì?
Bà Trần Thanh Trúc: Từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động TDCSXH rõ nét hơn, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò của TDCSXH. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã coi việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động TDCSXH là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên, chỉ đạo việc triển khai hoạt động này gắn với việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, các mục tiêu an sinh xã hội.
Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo chương trình, kế hoạch và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể, tổng nguồn vốn cho vay từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW tăng hơn 2,5 lần, nhưng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH tăng hơn 13 lần. Đồng Tháp là tỉnh còn khó khăn về nguồn thu nhưng vốn ủy thác cao nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 11 trong toàn quốc.
PV: Xin bà cho biết những khó khăn, hạn chế chủ yếu rút ra qua tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW?
Bà Trần Thanh Trúc: Việc tổ chức triển khai, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư một số nơi còn chậm. Một số địa phương chưa chủ động nguồn ngân sách nên việc cân đối nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nơi còn hạn chế, chưa đáp ứng hết nhu cầu vốn vay của người dân, nhất là chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
PV: Qua hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, NHCSXH chi nhánh tỉnh bổ sung giải pháp gì để phát huy hiệu quả nguồn vốn TDCSXH?
Bà Trần Thanh Trúc: NHCSXH chi nhánh tỉnh tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Bộ chính trị về TDCSXH trong tình hình mới. Chúng tôi tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 theo Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia; phấn đấu hàng năm nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH chiếm từ 15 - 20% tăng trưởng dư nợ tín dụng và đến năm 2030 nguồn vốn ủy thác của địa phương chiếm 15% tổng nguồn vốn cho vay của Chi nhánh NHCSXH tỉnh.
Đồng thời chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã từ việc rà soát nhu cầu vốn, xây dựng chỉ tiêu kế hoạch, phối hợp bình xét cho vay, thu nợ, xử lý nợ theo quy định... đến củng cố hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn đảm bảo hoạt động hiệu quả. Thường xuyên tập huấn nghiệp vụ để các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp thông hiểu, nắm chắc các quy định, quy trình cho vay, xử lý nợ... nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay và nâng cao chất lượng hoạt động TDCSXH trên địa bàn tỉnh.
PV: Xin cảm ơn bà!
Thành Nam (thực hiện)