Tiếp tục phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững
Cập nhật ngày: 28/10/2024 14:47:18
ĐTO - Ngày 28/10, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng giai đoạn 2026 - 2030 (theo hình thức trực tiếp và trực tuyến).
Hội thảo với sự chủ trì của các đồng chí: Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Phước Thiện - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, TS. Cao Đức Phát - nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các viện, trường; sở, ban ngành tỉnh; đại diện các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh...
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, là tỉnh tiên phong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, qua gần 10 năm triển khai, Đồng Tháp đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhất là chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp.
Với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, năm 2023, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp, Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh đánh giá giai đoạn thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; nghiên cứu xây dựng Đề án tổng thể "Xây dựng tỉnh Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Theo đó, Đề án này tích hợp cả nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng mới, phát triển mạnh chuỗi giá trị ngành hàng, áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, chuyển đổi số, tạo ra một nền nông nghiệp sinh thái bền vững, minh bạch, trách nhiệm và thích ứng biến đổi khí hậu gắn với phát triển nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Trên tinh thần đó, hội thảo với mong muốn được lắng nghe những ý kiến tâm huyết của quý đại biểu, những cách tiếp cận mới về mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phương thức triển khai thực hiện. Điều này có vai trò quan trọng trong việc xây dựng Đề án tổng thể "Xây dựng tỉnh Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" trong thời gian tới đạt kết quả cao.
Theo UBND tỉnh, tiến độ thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2024 (so sánh chỉ tiêu đến năm 2025) có 15/18 chỉ tiêu vượt và đạt tiến độ đề ra; có 3/18 chỉ tiêu chưa đạt tiến độ.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng khu vực nông - lâm - thủy sản năm 2024 ước đạt 3,9% (giá trị tăng thêm cả năm đạt 22.153 tỷ đồng), cao hơn mức 3,57% năm 2020 (đạt 19.015 nghìn tỷ đồng giá so sánh 2010, tương đương 28.219 nghìn tỷ đồng giá hiện hành năm 2020).
So với năm 2020, ngành hàng lúa gạo có giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt hơn 16.000 tỷ đồng, tăng 3,6%, chiếm 32,15% tỷ trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngành hàng xoài có giá trị sản xuất ước đạt 2.341 tỷ đồng, tăng gần 22% so với năm 2020, chiếm 4,62% tỷ trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Diện tích trồng hoa kiểng toàn tỉnh đến năm 2024 ước đạt 4.529 ha, (đạt 129,4% so với chỉ tiêu ≥ 3.500 ha) và giá trị sản xuất ngành hàng hoa, kiểng ước đạt trên 6.276 tỷ đồng (đạt 89,6% so với chỉ tiêu ≥ 7.000 tỷ đồng), tăng 34,78% so với năm 2020. Đối với ngành hàng cá tra, có giá trị sản xuất ước đạt 8.802 tỷ chiếm 17,36% giá trị toàn ngành, tăng 18,63% so với năm 2020. Ngành hàng sen có giá trị sản xuất ước đến cuối năm 2024 đạt 39,168 tỷ đồng, tăng 188% so với năm 2020.
Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội thảo
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững, tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ các vấn đề về vai trò của tái cơ cấu nông nghiệp Đồng Tháp trong định hướng cho nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh; khuyến nghị các chính sách cần quan tâm trong phát triển nông nghiệp sinh thái; đánh giá thực trạng vai trò trung tâm của hợp tác xã trong xây dựng các chuỗi ngành hàng nông sản, một số khuyến nghị đối với Đồng Tháp; đánh giá thực trạng về công tác phát triển giống trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, một số dự báo, giải pháp thời gian tới. Đồng thời chia sẻ một số nội dung về định hướng phát triển hàng cá tra quy hoạch, cơ khí phục vụ sản xuất chế biến thủy sản; thông tin định hướng thị trường ngành hàng rau quả; khuynh hướng phát triển nông nghiệp bền vững...
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa gửi lời cảm ơn những ý kiến, đóng góp sâu sắc của các đơn vị, chuyên gia, doanh nghiệp đối với nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà. Theo đó, ngành nông nghiệp tiếp thu, tổng hợp những ý kiến đóng góp, đánh giá để nghiên cứu định hướng tích hợp nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng phát triển ngành hàng chủ lực vào Đề án “Xây dựng tỉnh Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Y Du