Tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn góp phần quảng bá thương hiệu

Cập nhật ngày: 06/08/2016 06:28:38

Nền tảng nông nghiệp của nước ta đối với phát triển kinh tế là rất lớn. Tuy nhiên để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới cần phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn. Việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp cần có nguồn lực chế biến, bảo quản và đặc biệt là lĩnh vực sản xuất công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp nông thôn nhằm góp phần nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm của nông nghiệp, làm đòn bẩy vững chắc thúc đẩy nông nghiệp nông thôn phát triển.

Phát hiện và tôn vinh các sản phẩm chất lượng

Kinh nghiệm của nhiều nước thực hiện quá trình công nghiệp hóa đều bắt đầu từ phát triển công nghiệp nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, làm hạt nhân cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Vì vậy, để thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (SPCNNTTB) nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước để có kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại...


Máy hút thổi nguyên liệu rời của Công ty TNHH MTV Sản xuất máy cơ khí nông nghiệp Tây Đô

Năm 2015, lần đầu tiên Bộ Công Thương tổ chức bình chọn SPCNNTTB cấp Quốc gia và chọn ra 100 sản phẩm công nghiệp nông thôn để vinh danh. Đây là một trong những kết quả nổi bật, liên tục và xuyên suốt được thực hiện đồng bộ trên các nội dung hỗ trợ của chính sách khuyến công, mà chủ yếu là địa bàn nông thôn. Trong đó, trên địa bàn tỉnh có 2 sản phẩm đạt giải là “Dây chuyền sản xuất bánh hỏi tự động” của DNTN Bùi Thanh Tú, huyện Hồng Ngự và “Hạt sen sấy” của Công ty CP Đầu tư Thương mại Du lịch Đồng Tháp Mười, huyện Tháp Mười.

Để lọt vào tầm ngắm rồi trở thành 100 sản phẩm tiêu biểu nói trên, các sản phẩm đều phải trải qua sàng lọc từ cấp huyện, cấp tỉnh, cấp khu vực và cuối cùng lên cấp Quốc gia. Nhìn chung, các doanh nghiệp có sản phẩm được vinh danh đến nay không ngừng phát triển và mở rộng. Điển hình như DNTN Bùi Thanh Tú từ một doanh nghiệp với nhà xưởng sản xuất chỉ vài chục mét vuông, sản xuất mỗi năm vài dây chuyền. Đến nay đã đầu tư máy móc, thiết bị và xây dựng nhà xưởng hơn 1.000m2, dự kiến sản xuất và đưa ra thị trường khoảng 50 dây chuyền sản xuất bánh hỏi tự động, bún và hủ tiếu các loại, góp phần nâng cao giá trị nông sản của tỉnh.

Vận động rộng rãi để nhiều cơ sở sản xuất tham gia

Với ưu thế vượt trội, Chương trình bình chọn SPCNNTTB đã mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp từ việc quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm và đặc biệt là ưu tiên hỗ trợ đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sản phẩm chất lượng có mặt trên thị trường chưa được phát hiện và tôn vinh, vì công tác bình chọn là tuyển chọn từ những sản phẩm dự thi, nên nếu sản phẩm tốt mà không mang đi dự thi thì cũng chẳng có cách nào được bình chọn. Một cuộc thi như thế này, quan trọng nhất là tạo ra sự vận động rộng rãi để tất cả các cơ sở sản xuất biết được để tham gia. Vì vậy, vai trò thông tin của các địa phương là vô cùng quan trọng.

Qua nhiều đợt bình chọn cho thấy các địa phương chưa triển khai tích cực nên rất ít sản phẩm được tham gia, điển hình như: Tại Đồng Tháp năm 2010, có 5 sản phẩm gửi tham gia bình chọn cấp khu vực phía Nam; năm 2012, vận động được 17 sản phẩm tham gia bình chọn cấp tỉnh, kết quả có 14 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận là SPCNNTTB cấp tỉnh và 3 sản phẩm được công nhận là SPCNNTTB cấp khu vực phía Nam; năm 2014, có 5 địa phương tổ chức bình chọn cấp huyện và gửi tham dự thi bình chọn cấp tỉnh với 16 sản phẩm, kết quả có 11 sản phẩm đạt danh hiệu SPCNNTTB cấp tỉnh và 4 sản phẩm được công nhận SPCNNTTB cấp khu vực phía Nam; năm 2015, lần đầu tiên nhiều địa phương trong tỉnh triển khai tổ chức bình chọn cấp huyện và tuyển chọn để gửi sản phẩm dự thi bình chọn cấp tỉnh với 25 sản phẩm, kết quả có 20 sản phẩm được công nhận SPCNNTTB cấp tỉnh, tại Hội chợ triển lãm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam tổ chức tại tỉnh Bình Dương vừa qua, có 4 sản phẩm của tỉnh đạt giải cấp khu vực phía Nam được bình chọn và trao giải gồm: Hạt sen sấy, mít sấy của Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp; Máy liên hợp thu hoạch bắp, Máy cuộn rơm tự hành của Công ty TNHH MTV cơ khí nông nghiệp Phan Tấn; Máy hút thổi nguyên liệu rời của Công ty TNHH MTV sản xuất máy cơ khí nông nghiệp Tây Đô. Những sản phẩm nầy sẽ được tham gia bình chọn cấp Quốc gia trong thời gian tới.

Đặc trưng của sản phẩm công nghiệp nông thôn là những sản phẩm mang tính nhỏ lẻ, đại diện cho một ngành nghề, làng nghề, phát triển từ nguyên liệu hoặc nhu cầu thiết yếu của địa phương nhưng chưa được quảng bá, thông tin rộng rãi. Tôn vinh SPCNNTTB là hoạt động mang ý nghĩa lớn trong việc tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. Vì vậy, việc khuyến khích phát triển sản phẩm tiêu biểu cũng cần phải có định hướng cho việc phát triển sản phẩm của tỉnh gắn kết với địa phương. Để SPCNNTTB sớm thực sự là nguồn hàng hóa có giá trị cao, mang lại lợi ích to lớn về kinh tế, thì cần hơn nữa việc đầu tư xây dựng những chính sách phù hợp cho việc phát triển thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn cũng phải chủ động cập nhật thông tin, tìm kiếm thị trường, đổi mới công nghệ, học hỏi kỹ năng và kiến thức quản lý, mạnh dạn đầu tư để SPCNNTTB phát triển ngày càng mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.

MAI VĂN ĐỐI

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn