Tổng kết dự án phát triển chuỗi giá trị ngành hàng xoài có tăng cường ứng dụng kỹ thuật số
Cập nhật ngày: 29/07/2022 11:47:00
ĐTO - Tại Đồng Tháp, vừa diễn ra hội nghị tổng kết dự án (DA) “Hướng tới tương lai tốt đẹp hơn: phát triển chuỗi giá trị có tăng cường ứng dụng kỹ thuật số và có khả năng ứng phó chú trọng tới phụ nữ và thanh niên tại Việt Nam” với sự tham dự của nhiều đại biểu đại diện các cơ quan liên quan Trung ương, các đơn vị tài trợ, doanh nghiệp, đại biểu tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre…
Quang cảnh hội nghị
DA phát triển chuỗi giá trị có tăng cường ứng dụng kỹ thuật số và có khả năng ứng phó chú trọng tới phụ nữ và thanh niên tại Việt Nam (MPTF) được Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) tài trợ cho Đồng Tháp. Mục tiêu tổng quát của DA là tạo ra một mô hình chuỗi giá trị trái cây tập trung vào phụ nữ và thanh niên, đổi mới và nâng cao kỹ thuật số ở Đồng Tháp, có thể được nhân rộng để “cùng nhau phục hồi tốt hơn” trên toàn bộ nền kinh tế nông thôn.
DA với 3 hợp phần chính có mối quan hệ chặt chẽ với nhau: môi trường tạo điều kiện kinh doanh lấy phụ nữ và thanh niên làm trung tâm; nâng cao năng lực cạnh tranh, an toàn và bền vững của phụ nữ và chuỗi giá trị do thanh niên lãnh đạo; cải thiện khả năng tiếp cận các thị trường mới cho phụ nữ và thanh niên. Từ 6/2021 đến 6/2022, DA được triển khai tại TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc, các huyện: Cao Lãnh, Thanh Bình, Tháp Mười và Lấp Vò với chuỗi ngành hàng xoài.
Hội nghị đánh giá, qua thời gian triển khai DA, MPTF Đồng Tháp thực hiện khá hiệu quả các hoạt động, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, đảm bảo 1000 hộ được hưởng lợi trực tiếp từ DA; hình thành được 1 chuỗi giá trị ngành hàng xoài từ nông hộ trồng xoài liên kết với hợp tác xã, công ty tiêu thụ sản phẩm; có 80% nhóm tham gia DA báo cáo sử dụng các nền tảng số, ít nhất là hằng tuần: qua 6 lớp tập huấn “Giới thiệu khái niệm thương mại điện tử, Internet, các nền tảng về công nghệ thông tin, công nghệ số” cho các nhóm phụ nữ và thanh niên với khoảng 300 lượt người tham gia, các đối tượng được tập huấn đã sử dụng các nền tảng số thông dụng như Zalo, Facebook, Tiktok...để giới thiệu sản phẩm và bán hàng online... Bên cạnh đó, có 5 doanh nghiệp, người thụ hưởng sử dụng công nghệ số để tiếp cận thị trường nông sản; có 22 sản phẩm mới được tiếp cận thị trường; mỗi nhóm các nhà sản xuất có 3 hợp đồng kinh doanh có tiềm năng tăng trưởng được hỗ trợ qua nền tảng số. DA đã góp phần làm cơ sở cho tỉnh để xây dựng kế hoạch và nhân rộng trên các cây trồng chủ lực của tỉnh hướng tới mục tiêu chung “Xây dựng mô hình sáng tạo và số hóa chuỗi giá trị trái cây tại tỉnh Đồng Tháp, lấy vấn đề giới và thanh niên làm trọng tâm và nhân rộng mô hình nhằm “cùng chung sức hồi phục cho tương lai tốt đẹp hơn” trên toàn bộ nền kinh tế nông thôn”.
Tiếp nối các hoạt động của DA MPTF Đồng Tháp, các thành quả đạt được sẽ tiếp tục được duy trì nhằm mục tiêu gia tăng thu nhập và nâng cao vị thế xã hội cho phụ nữ và thanh niên nông thôn trong chuỗi giá trị xoài, từ đó góp phần xây dựng mô hình sáng tạo và số hóa chuỗi giá trị xoài tại tỉnh Đồng Tháp. Các đối tượng thụ hưởng của DA sẽ duy trì hoạt động DA. Vì thế, DA mang tính bền vững rất cao, các hoạt động nâng cao năng lực và hoạt động đầu tư được các tổ, nhóm, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân truyền lại cho nhau và hỗ trợ các đối tượng cùng mục tiêu để cùng nhau hưởng lợi, lan tỏa tác động DA rộng rãi hơn, lâu dài hơn.
TN