TP Cao Lãnh tập trung phát triển kinh tế - xã hội bền vững
Cập nhật ngày: 19/10/2024 05:27:45
ĐTO - Thực hiện Kết luận số 253 ngày 31/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội TP Cao Lãnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong những năm qua, chính quyền các cấp và Nhân dân TP Cao Lãnh đã nỗ lực phấn đấu đạt được những bước tiến mạnh mẽ, nền kinh tế có mức tăng trưởng cao và ổn định; đời sống Nhân dân từng bước được nâng cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại, thuận lợi cho việc thu hút đầu tư và làm động lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều tuyến đường giao thông hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo không gian phát triển mới của thành phố
Kết quả thực hiện mục tiêu cụ thể
Để thực hiện Kết luận số 253, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 72; Thành ủy Cao Lãnh ban hành Chương trình hành động để thực hiện; Hội đồng nhân dân và UBND TP Cao Lãnh đã xây dựng văn bản triển khai cụ thể hóa Kết luận số 253. Ông Võ Phan Thành Minh – Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh cho biết, thành phố tập trung triển khai thực hiện và cụ thể hóa các Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Thành ủy Cao Lãnh. Trong quá trình triển khai thực hiện Kết luận, thành phố chủ động tập trung các nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các cơ chế, chính sách chung của thành phố. Trong đó, chú trọng thực hiện tốt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch được quan tâm...
Đến nay, qua thực hiện các mục tiêu cụ thể theo Kết luận 253, TP Cao Lãnh đã có được những kết quả khả quan. Đến cuối năm 2024, tiêu chí đô thị loại II ước đạt 5/5 tiêu chí trên điểm tối thiểu, tổng điểm 85,94/100 điểm; đô thị loại I có tiêu chí 1 ước đạt 15,6 điểm và tiêu chí 5 ước đạt 45,06 điểm (đều trên điểm chuẩn tối thiểu), cơ bản đạt mục tiêu Kết luận đề ra. Trung tâm thương mại Vincom Plaza Cao Lãnh tiếp tục hoạt động ổn định, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh xung quanh trung tâm phát triển. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng được nâng cao, hiện đại với việc đẩy mạnh chuyển đổi số. Cùng với việc tiếp tục đầu tư, nâng cấp các bệnh viện công lập hiện có; xã hội hóa lĩnh vực y tế đạt nhiều kết quả, đến nay trên địa bàn thành phố có các bệnh viện tư nhân đang hoạt động như: Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp, Bệnh viện Mắt - Sài Gòn Đồng Tháp.
Dần định hình phát triển theo hướng công nghệ cao, một số doanh nghiệp sản xuất tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: Công ty CP Vĩnh Hoàn (sản xuất Collagen và Gelatin), Công ty CP quốc tế Senvita ứng dụng công nghệ và cho ra mắt thị trường 2 dòng sản phẩm nước hoa sen và son sen. UBND tỉnh đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Quảng Khánh định hướng sản xuất dược phẩm và sản xuất các sản phẩm liên quan đến dược phẩm, công nghiệp sản xuất sạch.
TP Cao Lãnh là địa phương đầu tiên thành lập Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC), lắp đặt 3 camera AI, xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ đăng ký kinh doanh, lập bản đồ quản lý mã số vùng trồng, triển khai các tuyến đường chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt, thí điểm triển khai mô hình “Làng thông minh”... tạo thành hình mẫu cho các địa phương khác học tập, trao đổi kinh nghiệm.
Trung tâm thương mại Vincom Plaza Cao Lãnh hoạt động đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân
Phát triển đô thị, thương mại - dịch vụ
Cơ sở hạ tầng của thành phố được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng đô thị, các dự án giao thông trọng điểm. Nhiều tuyến đường giao thông hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo không gian phát triển mới của thành phố như: Dự án đường Sở Tư pháp kết nối đường Tân Việt Hòa, dự án Hệ thống giao thông kết nối hạ tầng du lịch và nông nghiệp, dự án cầu Ngô Thời Nhậm... Về phát triển các khu đô thị, đã phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu, hiện có 3 nhà đầu tư quan tâm thực hiện các dự án khu đô thị: Khu đô thị Phường 3, Khu đô thị Phường 6 - Tịnh Thới, Khu đô thị Mỹ Tân. Công tác chỉnh trang đô thị được chú trọng, đã thực hiện ngầm hóa được gần 1 km đường dây trung thế và 1,4 km đường dây hạ thế; cải tạo, chỉnh trang, làm gọn mạng cáp ngoại vi viễn thông với chiều dài 24km...
Thương mại - dịch vụ là ngành kinh tế chủ lực của thành phố tiếp tục phát triển tốt; tập trung tổ chức đầu tư, sắp xếp, cấu trúc lại các chợ: Trần Quốc Toản, chợ Cao Lãnh (giai đoạn 1), chợ ngã tư Đèn Dầu, cùng với các chuỗi hệ thống cửa hàng kinh doanh hiện đại khác như: Điện máy xanh, Thế giới di động, FPT, Viettel... đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân. Thương mại điện tử ngày càng phát triển với nhiều hoạt động hỗ trợ kết nối bán hàng trên sàn thương mại điện tử qua Shopee, Fanpage, Facebook...; hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở xây dựng trang Landing Page; tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm, hội nghị giao thương kết nối cung cầu được quan tâm với các hình thức đa dạng.
Chất lượng dịch vụ tài chính - ngân hàng ngày càng được nâng cao, ngành ngân hàng đẩy mạnh triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt mở rộng toàn thành phố; có nhiều khoản vay tạo điều kiện để khách hàng tiếp cận vốn vay gắn với rút ngắn thời gian giải quyết cho vay. Chất lượng dịch vụ y tế được nâng lên; hạ tầng y tế được quan tâm đầu tư cùng với việc đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực y tế. Du lịch trên địa bàn thành phố từng bước phục hồi tốt sau đại dịch Covid-19. Đội ngũ lao động tham gia phục vụ du lịch được quan tâm đào tạo, tập huấn các kiến thức; phát triển du lịch cộng đồng, khai thác thế mạnh vườn cây ăn trái...
Đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày càng được quan tâm, khởi sắc
Nhìn chung, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc ban hành Kết luận số 253 đã giúp TP Cao Lãnh có nhiều cơ hội, tiềm năng và thuận lợi, từ đó xác định được những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, đề ra những giải pháp, phương hướng chỉ đạo kịp thời, cụ thể trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Qua đó, TP Cao Lãnh ngày càng khẳng định là trung tâm kinh tế, chính trị, hành chính của tỉnh.
Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thành phố tiếp tục được cải thiện, cao hơn mức chung của cả tỉnh và có chỉ tiêu dẫn đầu 12 huyện, thành phố như: tốc độ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, mặc dù chưa đạt theo kế hoạch nhưng thu nhập bình quân đầu người nằm trong nhóm dẫn đầu của tỉnh; số doanh nghiệp và vốn đăng ký doanh nghiệp thành lập mới; tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện.
Tình hình kinh tế - xã hội của TP Cao Lãnh ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ nét. Các ngành hàng công nghiệp chủ lực (dược, chế biến thủy sản) phục hồi phát triển theo chiều sâu. Thương mại - dịch vụ phát triển theo hướng hiện đại, nông nghiệp đô thị phát triển, xây dựng nông thôn mới nâng cao đạt nhiều kết quả. Cải cách hành chính có nhiều mô hình mới, cách làm hay được duy trì. Công tác giáo dục, y tế, văn hóa và an sinh - xã hội được thực hiện tốt; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Ông Võ Phan Thành Minh - Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh cho biết thêm, trong thời gian tới, thành phố tập trung thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: rà soát, đánh giá, nhận diện và đề ra biện pháp để đảm bảo thực hiện đạt các chỉ tiêu còn lại đến năm 2025. Định kỳ hằng năm, tiến hành rà soát và đánh giá phân loại đô thị, kiểm soát chất lượng đô thị để kịp thời tháo gỡ khó khăn, phấn đấu hoàn thiện các tiêu chuẩn còn thấp so với tiêu chuẩn của đô thị loại II, loại I trực thuộc tỉnh theo quy định. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đồ án quy hoạch phân khu, hoàn thành phê duyệt 22/22 đồ án quy hoạch phân khu; lập và phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc đô thị trong năm 2024. Thực hiện công tác lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư các dự án, kêu gọi đầu tư, tháo gỡ khó khăn về giá thuê đất cho nhà đầu tư; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân, công tác giải phóng mặt bằng, nhất là các công trình dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố...
Thanh Trúc