Triển khai các giải pháp thực hiện tốt giải ngân vốn đầu tư
Cập nhật ngày: 20/02/2022 06:34:25
ĐTO - Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, đến ngày 14/2, giá trị giải ngân theo kế hoạch bố trí vốn năm 2022 và kế hoạch vốn năm trước chuyển sang khoảng 195 tỷ đồng, đạt 5,4%. Trong đó, các đơn vị có tỷ lệ giải ngân tốt gồm: huyện Lai Vung (23,2%), TP Sa Đéc (20,7%), huyện Tân Hồng (13,0%), Sở Khoa học Công nghệ (10,7%), Ban Giao thông (6,2%). Các chủ đầu tư đang tập trung các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, đồng thời tháo gỡ các khó khăn trong triển khai các dự án (DA).
Dịch Covid-19 được kiểm soát, tạo thuận lợi để nhiều công trình đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Thành Nam
Hiện, toàn tỉnh có 10 công trình đang tạm ngưng thi công do vướng mặt bằng, trong đó, tại huyện Lai vung có 5 công trình, huyện Châu Thành có 2 công trình và Ban Quản lý Khu Kinh tế có 3 công trình; có 4 đơn vị đang chờ bố trí vốn từ Trung ương, gồm: Sở Y tế, Cục Hải quan tỉnh, Sở Xây dựng, Công an tỉnh. Một số chủ đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư chậm dẫn đến chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2022 ngay từ đầu năm.
Tình hình khôi phục DA đầu tư tư nhân, từ năm 2020 đến năm 2022 (tính đến ngày 11/2/2022) có 50 DA được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn hơn 5.570 tỷ đồng. Trong đó đã hoàn thành và đi vào hoạt động 12 DA, tổng vốn đầu tư là 950 tỷ đồng; 13 DA đang triển khai xây dựng, tổng vốn đầu tư 2.007 tỷ đồng; 23 DA đang thực hiện thủ tục đầu tư, với tổng vốn là 2.487 tỷ đồng; 1 DA chậm tiến độ, vốn đầu tư 37 tỷ đồng; 1 DA đã thu hồi chủ trương đầu tư và chấm dứt hoạt động, vốn đầu tư 93 tỷ đồng.
Nhật Nam