Truy xuất nguồn gốc giúp nâng cao uy tín tổ chức, sản phẩm đạt chất lượng
Cập nhật ngày: 26/12/2023 11:03:19
ĐTO - Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12850:2019 về truy xuất nguồn gốc (TXNG) - Yêu cầu chung đối với hệ thống TXNG được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành năm 2019. Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu chung đối với hệ thống TXNG trong một tổ chức cũng như toàn bộ chuỗi cung ứng và được áp dụng cho tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, không phân biệt quy mô tổ chức, chuỗi cung ứng. Tiêu chuẩn TCVN 12850:2019 được áp dụng đồng thời với các tiêu chuẩn Quốc gia về TXNG cho từng lĩnh vực, sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Mách (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh) thu hoạch xoài theo mô hình “Cây xoài nhà tôi” được canh tác theo hướng hữu cơ và truy xuất nguồn gốc (Ảnh: Mỹ Nhân)
ĐẢM BẢO CÁC YÊU CẦU CHUNG VỀ HỆ THỐNG
Hệ thống TXNG phải luôn đảm bảo 4 nguyên tắc chung như: “Một bước trước - một bước sau”, “sẵn có của phần tử dữ liệu chính”, “minh bạch” và “có sự tham gia đầy đủ các bên TXNG”. Đây là những nguyên tắc giúp cho hệ thống TXNG đảm bảo khả năng giám sát, nhận diện được công đoạn sản xuất, kinh doanh trước và công đoạn tiếp theo trong quá trình sản xuất, kinh doanh đối với một sản phẩm. Cũng như đảm bảo được các phần tử dữ liệu chính phải được thu thập lưu trữ và cập nhật kịp thời trong các báo cáo thông tin chi tiết về các sự kiện quan trọng trong quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng. Hệ thống TXNG phải đạt yêu cầu về tính minh bạch tối thiểu bằng cách sử dụng dữ liệu tĩnh về khách hàng, bên cung ứng, sản phẩm và các điều kiện sản xuất. Đồng thời, hệ thống TXNG phải có sự tham gia của đầy đủ các bên TXNG của tổ chức.
Hệ thống TXNG sản phẩm, hàng hóa phải đáp ứng 10 yêu cầu. Trong đó 5 yêu cầu về hệ thống (khả năng tương tác; tính đa dạng; định danh; phạm vi hệ thống TXNG; quản lý hệ thống) và 5 yêu cầu về dữ liệu (dữ liệu; khả năng trao đổi dữ liệu; dữ liệu TXNG bên trong tổ chức; dữ liệu TXNG qua chuỗi cung ứng và quản lý dữ liệu TXNG).
Trên tinh thần đó, tổ chức phải định danh sản phẩm bằng mã truy vết sản phẩm và địa điểm TXNG theo một chuẩn thống nhất. Chuẩn định danh của tổ chức phải nhất quán với yêu cầu định danh của các bên tham gia truy xuất trong chuỗi cung ứng. Các bên tham gia truy xuất của tổ chức phải thu thập, cập nhật, lưu trữ thông tin định danh, các thuộc tính liên quan của một đối tượng đã được mã hóa theo phương thức chuẩn trong vật mang dữ liệu. Các bên tham gia truy xuất phải chia sẻ dữ liệu thu thập theo chuẩn chung, sử dụng ngữ nghĩa định dạng được chuẩn hóa và các giao thức trao đổi chuẩn.
Khách hàng quét mã QR code khi mua rau hữu cơ tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Quản lý khai thác công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: Mỹ Lý)
Đối với những dữ liệu sự kiện nhận biết, các tổ chức phải xác định khung chung cho hệ thống TXNG, tuy nhiên cần tuân thủ tiêu chuẩn Quốc gia cụ thể về TXNG của lĩnh vực, sản phẩm tương ứng. Khung chung cho hệ thống TXNG bao gồm các phần tử tối thiểu hay phần cốt lõi cần thiết cho việc thiết lập hệ thống TXNG. Theo đó, mô tả cách các phần tử bổ sung có thể được thêm vào để giải quyết các yêu cầu của ngành nghề cụ thể, phân loại sản phẩm, khu vực và vùng ứng dụng. Phần cốt lõi có thể được mở rộng bao gồm cả ngành và khu vực được thiết kế để đáp ứng các yêu cầu cụ thể. Hệ thống có thể được điều chỉnh để giải quyết các yêu cầu dựa trên các mối quan hệ và thỏa thuận và cần sự xem xét của các bên tham gia.
Tất cả các bên tham gia truy xuất trong tổ chức phải có sẵn thông tin về phần tử dữ liệu chính nhằm đảm bảo khả năng nhận biết trong nội bộ mỗi bên tham gia. Sau đó chia sẻ dữ liệu nhận biết đó với các bên tham gia tại tuyến trước, tuyến sau để thực hiện TXNG toàn bộ tổ chức. Khả năng trao đổi thông tin là một yếu tố quan trọng để đảm bảo sự tương tác liền mạch giữa các thành phần hệ thống khác nhau của một tổ chức.
Đối với yêu cầu về định danh, tổ chức phải định danh đơn nhất các đối tượng truy xuất, có thể theo 3 mức định danh chính như: loại sản phẩm, lô, mẻ và đơn vị. Các mục tiêu của hệ thống TXNG và bản thân chuỗi cung ứng là tiêu chí chính để xác định mức định danh phù hợp. Sản phẩm và thành phần liên quan đến rủi ro cao luôn được xác định ở mức lô, mẻ hoặc mức đơn vị. Hệ thống TXNG có thể áp dụng kết hợp nhiều mức định danh. Đối với yêu cầu về tính đa dạng, tổ chức phải xác định đầy đủ các nhu cầu, mục tiêu khi thiết lập hệ thống TXNG.
Về phạm vi hệ thống TXNG, tổ chức phải xác định phạm vi bao gồm: Số bước trước – sau mà chuỗi cung ứng của tổ chức cần phải chia sẻ dữ liệu; số các bên TXNG tham gia trong tổ chức hoặc chuỗi cung ứng mà tổ chức cần tương tác trực tiếp; Các thành phần chính, bao bì và các nguyên liệu gián tiếp mà tổ chức cần theo dõi; nhu cầu tích hợp chia sẻ dữ liệu với người dùng cuối của hệ thống.
Trong yêu cầu về quản lý hệ thống, tổ chức đảm bảo rằng hệ thống TXNG được xây dựng và kiểm soát phù hợp, hiệu quả thông qua các hoạt động như thực hành diễn tập truy xuất trước khi áp dụng chính thức cũng như định kỳ hằng năm. Qua thực hiện các biện pháp kiểm tra giám sát định kỳ nhằm xác nhận mức độ hiệu lực của hệ thống TXNG. Bên cạnh đó kịp thời thay đổi, nâng cấp hệ thống khi có sự thay đổi quá trình cũng như yêu cầu của các bên tham gia. Mặt khác, thực hiện phân tích nguyên nhân và tiến hành kịp thời các hành động khắc phục khi phát hiện những nội dung không phù hợp trong hệ thống TXNG.
Hệ thống truy xuất nguồn gốc Quốc gia (Ảnh: Huỳnh Hiền)
ĐẢM BẢO YÊU CẦU CHUNG VỀ DỮ LIỆU TXNG
Theo TCVN 12850:2019, tổ chức phải xác định dữ liệu TXNG được thu thập bao gồm các dữ liệu từ các bộ phận và quá trình khác nhau trong phạm vi TXNG đã xác định. Dữ liệu TXNG bao gồm dữ liệu về chất lượng, an toàn của sản phẩm và thông tin để trả lời câu hỏi “Ai, Cái gì, Ở đâu, Khi nào và Tại sao”. Đồng thời dữ liệu TXNG phải được tạo ra mỗi khi một quá trình liên quan đến TXNG được thực hiện trong tổ chức. Tổ chức phải quản lý toàn bộ dữ liệu TXNG của mình và đảm bảo khả năng TXNG từ đầu tới cuối chuỗi cung ứng trong phạm vi quản lý của tổ chức. Hệ thống TXNG phải có tính thích ứng và có khả năng nâng cấp. Đối với dữ liệu bên trong tổ chức cần xác định sự kiện theo dõi trọng yếu và phần tử dữ liệu chính, thiết lập hệ thống thu thập, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu và đảm bảo được khả năng truy xuất ngược, xuôi của mỗi bên truy xuất. Các tổ chức phải đảm bảo hệ thống TXNG được xây dựng dựa trên một chuẩn chung với các bên tham gia để đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu thông tin với các bên tham gia trong chuỗi cung ứng và khả năng đáp ứng nhiều mục đích sử dụng dữ liệu khác nhau.
Mô hình hoạt động cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa Quốc gia
Việc xây dựng và áp dụng một hệ thống TXNG theo TCVN 12850:2019 là biện pháp hữu hiệu giúp các tổ chức đạt được các mục đích quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, chất lượng và an toàn sản phẩm, mối quan hệ tương tác trong nội bộ cũng như với các bên tham gia trong chuỗi cung ứng, minh bạch thông tin và nâng cao uy tín của tổ chức... Đồng thời, sản phẩm làm ra sẽ có giá trị cao góp phần tạo nên thương hiệu cho hàng Việt Nam xuất khẩu, xây dựng niềm tin với người tiêu dùng...
HUỲNH HIỀN