Đồng Tháp
Từng bước hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo
Cập nhật ngày: 18/10/2022 16:16:15
ĐTO - Để có một hệ sinh thái khởi nghiệp (KN) vững mạnh, đòi hỏi phải có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp. Xác định được điều này, thời gian qua, Đồng Tháp đã có những chủ trương, chính sách cụ thể, rõ ràng để khơi dậy, hun đúc tinh thần KN trong mọi người dân. Các chủ trương này bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, làm “đòn bẩy” đưa phong trào KN đổi mới sáng tạo, phát triển.
Đại biểu tham gia tọa đàm tại Diễn đàn Phụ nữ Đất Sen hồng “Tự lực vươn lên, tự tin khởi nghiệp” (ngày 3/7/2018). Ảnh: M.Nhân
Chương trình KN ở Đồng Tháp được phát động từ năm 2016. Để các hoạt động KN hướng vào những nội dung cụ thể, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành kế hoạch hỗ trợ KN trên địa bàn tỉnh nhằm mục tiêu khơi dậy và hun đúc tinh thần KN, tinh thần doanh nhân trong mọi người dân, doanh nghiệp (DN) Đồng Tháp, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh hướng đến việc xây dựng hệ sinh thái KN trên địa bàn tỉnh, với định hướng tầm nhìn định vị Đồng Tháp trở thành “địa phương KN”.
Với sự quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng thuận và tham gia tích cực của người dân và cộng đồng DN, hoạt động KN đã lan tỏa trong cộng đồng xã hội. Cụ thể, nhiều dòng sản phẩm mới ra đời, tận dụng, phát triển nguồn tài nguyên bản địa. Nhiều dự án (DA) KN của tỉnh đã đạt được các giải thưởng cấp Quốc gia và khu vực. Từ đó, được hỗ trợ hoàn thiện, thương mại hóa, phát huy lợi thế và nâng cao giá trị nhiều mặt hàng nông sản thuộc thế mạnh của tỉnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là khu vực nông thôn.
Xác định việc KN không phải là chạy theo phong trào, mà cần được thực hiện phù hợp với tình hình phát triển của địa phương, tỉnh cũng bắt đầu từ nâng cao nhận thức, tinh thần KN, trang bị những kiến thức khởi điểm ban đầu để giúp các DA phát triển bền vững và hiệu quả.
Bên cạnh đó, để kết nối các nguồn lực xây dựng cộng đồng KN, phát triển hệ sinh thái KN của tỉnh, nhiều tổ chức tác động KN được thành lập như: Câu lạc bộ (CLB) DN dẫn đầu tỉnh Đồng Tháp (LBC-D); Hội Nữ doanh nhân tỉnh Đồng Tháp, CLB Tư vấn KN (Mentor Club), Hợp tác xã Đặc sản Đồng Tháp... Các tổ chức này thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh tổ chức các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy KN. Đặc biệt, CLB Doanh nghiệp dẫn đầu tỉnh Đồng Tháp, Hội Doanh nhân trẻ là một trong những “mô hình” tiêu biểu của tỉnh, đã có những hỗ trợ tích cực cho các DA, DN KN trong tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có 28 CLB KN tại các trường học. Ngoài các CLB KN tại địa phương, Tỉnh đoàn đã thành lập 162 CLB thanh niên làm kinh tế (100% xã, phường, thị trấn đều có CLB); 216 tổ hợp tác thanh niên, 2 hợp tác xã thanh niên, 1 trang trại thanh niên thu hút trên 1.440 đoàn viên, hội viên, thanh niên tham gia lao động. Mô hình CLB KN từng bước được lan tỏa tại các trường đại học, cao đẳng, THPT trên địa bàn tỉnh.
Thông qua hội nghị gặp gỡ kết nối cung cầu nông sản (tại huyện Hồng Ngự vào tháng 11/2020), các hợp tác xã và doanh nghiệp ký kết biên bản hợp tác về việc kết nối, đưa sản phẩm hợp tác xã ra thị trường
Bên cạnh việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tỉnh, Đồng Tháp đã chủ động kết nối tổ chức hỗ trợ DN và KN ngoài tỉnh trong việc hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN KN. Nổi bật là phối hợp với Quỹ KN DN khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF), Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA), Hội Doanh nhân hàng Việt Nam chất lượng cao... Thông qua đó, kết nối với các chuyên gia, đối tác KN trong khu vực, trong nước để tìm kiếm cơ hội, nguồn lực hỗ trợ cho KN Đồng Tháp.
Cùng với các hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy KN, kết nối nguồn lực xây dựng hệ sinh thái KN để hỗ trợ phát triển các sản phẩm KN, thúc đẩy hoạt động đổi mới, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật; phát triển thương hiệu nâng cao chất lượng sản phẩm, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách về chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung, cầu; các chính sách hỗ trợ từ chương trình khuyến công; hỗ trợ thương mại điện tử, xây dựng nhãn hiệu, cải tiến và phát triển bao bì hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, áp dụng công nghệ thông minh (mã số, mã vạch...) trong truy xuất nguồn gốc.
Công tác khuyến công ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực cho DN thông qua các chương trình hỗ trợ như: nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật... Giai đoạn 2016-2020, đã hỗ trợ 105 đề án khuyến công địa phương và 9 đề án khuyến công Quốc gia với tổng số tiền 21,951 tỷ đồng. Riêng năm 2021, hỗ trợ DN đổi mới máy móc thiết bị trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho 22 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc, thiết bị với tổng kinh phí hỗ trợ là 4,6 tỷ đồng.
Để hỗ trợ cho các sản phẩm KN chuẩn hóa thành các sản phẩm OCOP, hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các đơn vị liên quan, tổ chức đoàn đến làm việc tại các huyện, thành phố về hiện trạng, định hướng phát triển sản phẩm OCOP. Qua đó, nắm bắt thông tin phối hợp các sở, ngành chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện sản phẩm, hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Theo đó, giai đoạn 2019-2021, ghi nhận 263 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao - 4 sao. Nhiều sản phẩm OCOP được hoàn thiện trên nền tảng các sản phẩm KN. Có thể nói, các DA KN, ý tưởng KN là đối tượng có nhiều tiềm năng để phát triển lực lượng DN trên địa bàn tỉnh, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Với vai trò là cầu nối, hiện nay, Trung tâm Hỗ trợ DN và KN thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư đang đẩy mạnh công tác phối hợp các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội (Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh), Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh... triển khai hỗ trợ thanh niên, đoàn viên, hội viên, các DN, DA KN được tiếp cận với các nguồn vốn từ Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa và hỗ trợ KN tỉnh Đồng Tháp, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm kênh Trung ương Đoàn, Quỹ hỗ trợ thanh niên KN, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo tỉnh...
Chị Phan Thị Kim Diệu (SN 1987) - chủ Cơ sở nước mắm cá linh Dì Mười ở xã Bình Thạnh, TP Hồng Ngự trao đổi thông tin tại buổi gặp gỡ kết nối cung cầu nông sản được tổ chức tại huyện Hồng Ngự (tháng 11/2020)
Về hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho KN, cuối năm 2021, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương thành lập Không gian KN và Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp nhằm đáp ứng cơ sở vật chất hỗ trợ các DA KN và đổi mới sáng tạo, thực hiện kết nối với các nguồn lực trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ, ươm tạo cho các cá nhân, nhóm cá nhân, DA KN đổi mới sáng tạo từ giai đoạn hình thành ý tưởng đến xây dựng, triển khai thực hiện dự án, góp phần phát triển hệ sinh thái KN và đổi mới sáng tạo của tỉnh; từng bước đưa tỉnh Đồng Tháp trở thành nơi hấp dẫn, thu hút cộng đồng KN hàng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Có thể thấy, chính từ sự hỗ trợ của các nguồn lực bên ngoài, cùng nội lực bên trong, đã giúp các bạn thanh niên KN trên mảnh Đất Sen hồng từng bước thể hiện sự tự tin, mạnh mẽ, sáng tạo hơn trong cách nghĩ, cách làm, mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư đổi mới và mở rộng thị trường, mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn từ nguồn tài nguyên bản địa. Mặc dù vậy, thực tế cho thấy cũng có nhiều thành tố trong hệ sinh thái phát triển chưa đồng đều; đầu mối KN tại địa phương đã được hình thành nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao; hoạt động của các CLB KN còn mang tính thời điểm; các hoạt động hỗ trợ KN, mối quan hệ hợp tác giữa DN và các cơ sở đào tạo trong tỉnh còn hạn chế...
Tạo ra sự lan tỏa nhưng đảm bảo tính kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái KN, đảm bảo DA KN không phải “lủi thủi”, “đơn thương độc mã” trên thương trường, đó chính là định hướng phát triển chiều sâu mà tỉnh Đồng Tháp đã và đang thực hiện. Để thực hiện được mục tiêu này, lãnh đạo tỉnh kêu gọi các cấp, các ngành, cộng đồng DN cùng chung tay, chung sức và đồng lòng với tỉnh hoàn thiện hệ sinh thái KN đổi mới sáng tạo, tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động KN sáng tạo, thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển DN có khả năng tăng trưởng nhanh...
Cụ thể, để thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ KN và phát triển DN, thời gian tới, tỉnh đề nghị các địa phương cần tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 27/1/2022 của UBND tỉnh về phát triển DN và thúc đẩy KN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; triển khai đồng bộ Chương trình KN và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đẩy mạnh công tác triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ DN và KN thông qua các phương thức trực tuyến để phổ biến sâu rộng đến các DN, tổ chức, cá nhân...
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng năm 2022, có 570 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 4.100 tỷ đồng; số DN tái hoạt động là 155, nâng tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh ước khoảng 4.700 DN.
MN