Ứng dụng khoa học công nghệ hình thành các mô hình canh tác bền vững

Cập nhật ngày: 17/06/2021 09:02:18

ĐTO - Xác định “khoa học và công nghệ là chìa khóa của thành công”, 5 năm qua, trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN), Đồng Tháp luôn quan tâm phát triển khoa học công nghệ (KHCN). Từ đó, có nhiều mô hình ứng dụng KHCN mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá – Aquaponics tại huyện Lấp Vò

Điển hình có thể kể đến như mô hình sản xuất xoài rải vụ theo hướng an toàn, mô hình sản xuất lúa lý tưởng ứng dụng công nghệ cao; sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) để dự báo tình hình sâu bệnh trong trồng trọt và quản lý dịch tễ trong chăn nuôi; ứng dụng WebGis trong quản lý và giám sát hệ thống đê điều; ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất (1 chạm - 5 biết, sử dụng phân bón thông minh, bẫy đèn thông minh, mô hình phun thuốc bằng máy bay không người lái). Ngoài ra, áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, Đồng Tháp còn có các mô hình nổi bật khác như mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá - Aquaponics, ứng dụng công nghệ sinh học cấy mô trên cây hoa kiểng, phát triển các sản phẩm collagen và gelatin chiết xuất từ da cá tra; sản xuất tinh luyện dầu cá, sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản từ phụ phẩm da và xương cá tra; chiết xuất tinh chất (dầu cám, dầu gấc, dầu sả, dầu quýt...); đầu tư sản xuất phân bón hữu cơ từ trùn quế, sản xuất lúa hữu cơ, cây ăn trái hữu cơ, sản xuất dưa lưới trong nhà lưới của Công ty Ecofarm; hướng dẫn áp dụng giải pháp kỹ thuật khắc phục vàng lá, thối rễ, chết xanh trên cây có múi đem lại hiệu quả tốt...

Những năm qua, địa phương luôn quan tâm, chú trọng từng bước đào tạo và hỗ trợ nông dân chuyển đổi tư duy, kỹ năng từ “sản xuất nông nghiệp” sang làm “kinh tế nông nghiệp”. Qua đó, hình thành đội ngũ “nông dân chuyên nghiệp” tiên phong, uy tín.

Đáng chú ý, từ việc quan tâm phát triển KHCN, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình canh tác bền vững, cụ thể như canh tác lúa theo tiêu chuẩn SRP, “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”; các mô hình nuôi trồng bền vững, công trình tiết kiệm nguồn tài nguyên nước ngày được quan tâm nhiều hơn nhằm sử dụng tài nguyên tự nhiên theo hướng bền vững.

Theo ngành nông nghiệp, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng công tác nghiên cứu KHCN để phát triển các hệ thống canh tác tiên tiến, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu (lúa kết hợp thủy sản; lúa - rau, màu; vườn cây ăn trái kết hợp chăn nuôi, thủy sản; sản xuất thủy sản công nghiệp; sản xuất thủy sản sinh thái...). Bên cạnh đó, hướng tới xây dựng các trung tâm kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp với hàm lượng công nghệ cao như các trung tâm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi (nhất là giống lúa, cây ăn quả, thủy sản); các trung tâm xử lý nông sản (chiếu xạ, xử lý nhiệt, đông lạnh, sấy, xử lý hóa chất...). Đối với giải pháp chuyển đổi số, sẽ ứng dụng các thành tựu của cách mạng khoa học công nghệ 4.0 trong các khâu của chuỗi giá trị nông sản. Đặc biệt, ưu tiên cho các dự án áp dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, xây dựng liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn.

T.H

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn