Vai trò của ngân hàng trong tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Cửu Long
Cập nhật ngày: 07/11/2014 08:17:43
Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long (MDEC - Sóc Trăng 2014), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Vai trò của ngân hàng trong việc tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Cửu Long” (ĐBSCL).

Ký hợp đồng tín dụng trong chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp
Theo đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã chỉ đạo ngành xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn là những lĩnh vực được ưu tiên và ngành ngân hàng tập trung vốn đầu tư, khai thác. Đồng thời, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng; cho vay phát triển kinh tế... Kết quả, mức huy động tại chỗ của vùng ĐBSCL luôn tăng qua từng năm, tính đến cuối tháng 9/2013, số dư huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL đạt 274.464 tỷ đồng, tăng 5,87% so với cuối năm 2013, chiếm 6,5% tổng huy động vốn toàn quốc.
Hoạt động tín dụng ngân hàng cũng góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Mức tăng trưởng tín dụng tại vùng ĐBSCL luôn đạt cao qua các năm. Tính đến nay, tỷ lệ cho vay chiếm khoảng 9% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế của hệ thống TCTD. Trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng gần 70%, dư nợ trung dài hạn chiếm trên 30%. Tính đến hết tháng 9/2014, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng tại ĐBSCL đạt 332.576 tỷ đồng, tăng 7,64% so với cuối năm 2013 và chiếm 8,98% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế cả nước.
Dịp này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng tín dụng cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp với 6 doanh nghiệp của 6 tỉnh, thành phố là Tiền Giang, Sóc Trăng, Hải Phòng, TP.Đà Nẵng, Ninh Thuận và Thanh Hóa. Đây là đợt ký kết thứ 3 trong năm 2014, nâng tổng số doanh nghiệp được phê duyệt tham gia chương trình là 27 doanh nghiệp với 30 dự án tại 22 tỉnh, thành phố. Tổng số tiền các ngân hàng thương mại hỗ trợ vay vốn đến nay hơn 4.600 tỷ đồng. Các doanh nghiệp tham gia chương trình thí điểm được chọn cho vay tín dụng đều đạt hiệu quả kinh doanh cao trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững.
MN