Vụ lúa đông xuân 2016 - 2017: Đảm bảo xuống giống đúng lịch thời vụ
Cập nhật ngày: 04/11/2016 16:14:02
ĐTO - Thời điểm này, nông dân tại các huyện Lai Vung, Châu Thành, Lấp Vò đang tiến hành vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị sẵn sàng cho vụ lúa đông xuân (ĐX) 2016 - 2017, bắt đầu gieo sạ trong tháng 11. Theo nhận định của ngành khí tượng thủy văn, vụ lúa ĐX năm nay sẽ gặp nhiều yếu tố thủy văn bất lợi, vì vậy nông dân cần có giải pháp chủ động ứng phó.
Nông dân nên xuống giống theo đúng lịch thời vụ của ngành nông nghiệp
Tại huyện Lai Vung, vụ ĐX 2016 - 2017, theo kế hoạch diện tích gieo sạ khoảng 11.552ha (giảm 1.500ha so với vụ ĐX năm trước). Đến nay, nông dân đã xuống giống khoảng 200ha.
Để đảm bảo sản xuất hiệu quả, ngành nông nghiệp huyện đưa ra lịch thời vụ, chia làm 3 đợt: đợt 1 xuống giống từ ngày 16 - 25/10; đợt 2 từ ngày 15 - 24/11; đợt 3 từ ngày 13 - 22/12. Tuy nhiên thời gian qua, tình trạng mưa bão kéo dài làm ảnh hưởng đến số diện tích đã xuống giống. Thực tế cho thấy, việc xuống giống của người dân trong đợt 2 có nguy cơ gặp khó khăn do trùng với đợt triều cường sắp tới. Trước tình hình này, huyện tăng cường công tác chỉ đạo, gia cố đê để bảo vệ lúa.
Là nông dân nhiều kinh nghiệm trong sản xuất lúa, ông Nguyễn Văn Tám ngụ xã Hòa Long, huyện Lai Vung chia sẻ: “Gia đình tôi sản xuất hơn 4 công vụ lúa ĐX trong khu vực có đê bao ngăn lũ. Ngay từ đầu vụ, nông dân được hướng dẫn gieo sạ, tôi luôn thực hiện nghiêm túc đúng theo lịch thời vụ và khuyến cáo của ngành nông nghiệp để đạt kết quả đề ra”.
Theo ông Huỳnh Văn Tồn - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung: “Hiện nay, mực nước đang dâng lên nên ngành nông nghiệp huyện chủ động hướng dẫn nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ, tập trung né rầy. Trong quá trình sản xuất, nông dân nên thăm đồng thường xuyên nhằm phát hiện kịp thời những vấn đề về sâu bệnh, đê bao để có ứng phó kịp thời. Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng phối hợp với các ngành liên quan khảo sát, gia cố các đoạn đê bao xung yếu, xem xét kỹ tình hình thủy văn, đảm bảo cho người dân sản xuất an toàn”.
Trong khi đó, tại huyện Châu Thành, vụ lúa ĐX 2016 - 2017, toàn huyện sẽ xuống giống khoảng 11.900ha. Công tác chuẩn bị từ khâu vệ sinh đồng ruộng, giống, phân thuốc... đã sẵn sàng.
Huyện chủ động xây dựng lịch thời vụ sản xuất lúa ĐX tập trung 3 đợt: đợt 1 xuống giống từ ngày 22 - 26/10 (những khu vực này có ô bao hoàn chỉnh, đảm bảo sản xuất an toàn kể cả khi có triều cường cao và lũ lớn xảy ra); đợt 2 xuống giống từ ngày 6 - 9/11 (đảm bảo các khu vực có ô bao hoàn chỉnh); đợt 3 xuống giống từ ngày 21 - 25/11. Lịch thời vụ được xây dựng theo nguyên tắc né rầy, tập trung đồng loạt theo từng khu vực, từng ô bao, tránh triều cường, phải rút ngắn thời vụ xuống giống. Ngành nông nghiệp huyện cũng xây dựng cơ cấu giống lúa cho vụ ĐX gồm: OM 5451, OM 4900, OM 61624, OM 4088, OM 8017, Jasmine 85, OM 231, OM 6932, OM 9915, OM 9916, OM 6976...
Ông Đặng Văn Toàn ngụ xã Tân Bình, huyện Châu Thành cho biết: “Vụ này, gia đình tôi làm 4 công lúa, đến nay, khâu chuẩn bị đã xong, sẵn sàng để xuống giống. Tuy nhiên, do mực nước lũ đang lên nên tôi luôn theo dõi thông tin từ các cấp, các ngành chỉ đạo gieo sạ đúng lịch thời vụ để vụ ĐX đạt hiệu quả cao”.
Theo ông Trần Văn Cường - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành: “Ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp địa phương đã khuyến cáo nông dân nên tiến hành vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa thu đông, xử lý rơm rạ sớm, tạo nền đất tốt cho việc sản xuất lúa ĐX. Từng xã, thị trấn cần nắm rõ nhu cầu lúa giống của nông dân để chủ động nguồn lúa giống cho việc sản xuất. Đồng thời, hướng dẫn nông dân gieo sạ lúa theo đúng lịch thời vụ và chú trọng xây dựng bộ giống chủ lực cho từng vùng; nắm chặt diễn biến thời tiết và theo dõi sát đồng ruộng để chủ động phòng, chống các loại sâu bệnh”.
Ngoài ra, để hạn chế thiệt hại do các đối tượng sâu bệnh gây ra, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo chính quyền các địa phương và nông dân cần tập trung chăm sóc, bón phân cân đối cho cây lúa theo đúng quy trình kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, áp dụng công nghệ sinh thái nhằm giảm giá thành sản xuất và bảo vệ môi trường.
Tại huyện Lấp Vò, theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, trong vụ lúa ĐX 2016 - 2017, toàn huyện sẽ xuống giống khoảng 13.600ha. Để chủ động sản xuất đảm bảo an toàn vụ ĐX, ngành nông nghiệp huyện xây dựng lịch thời vụ chia làm 2 đợt: đợt 1 xuống giống từ ngày 2/11 - 11/11; đợt 2 từ ngày 2/12 - 10/12.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng phân công cán bộ chuyên môn thường xuyên theo dõi đồng ruộng đối với các diện tích lúa ĐX, kiểm tra các đê bao, cống đập, đảm bảo an toàn cho việc xuống giống. Ngoài ra, tổ chức thông báo đến các hợp tác xã, tổ hợp tác và bà con nông dân trên địa bàn huyện tổ chức vệ sinh đồng ruộng và thông báo để nắm rõ lịch xuống giống vụ lúa ĐX 2016 - 2017 nhằm có sự chủ động và chuẩn bị xuống giống đạt hiệu quả...
Khánh Phan