Xã hội hóa trong đầu tư khai thác, quản lý chợ

Cập nhật ngày: 15/10/2012 09:34:40

Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp thực hiện tốt việc xã hội hóa trong đầu tư khai thác quản lý chợ và bước đầu đã đem lại hiệu quả đáng ghi nhận.


Khách mua sắm tại chợ SaĐéc

Hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có một số mô hình quản lý chợ được áp dụng. Cụ thể như: Ban quản lý chợ; Một Ban quản lý (BQL) chợ quản lý một số chợ trên địa bàn; doanh nghiệp tư nhân đầu tư, khai thác, quản lý; hợp tác xã (HTX) kinh doanh, quản lý chợ. Về đầu tư, xây dựng phát triển chợ, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 228 chợ. Gồm 6 chợ hạng I, 28 chợ hạng II, 187 chợ hạng III (trong đó có 44 chợ tạm; dự kiến sẽ không phát triển và xóa 29 chợ do vị trí không phù hợp, vi phạm lộ giới). Ngoài ra, còn có 7 chợ chuyên doanh đầu mối.

Trong công tác tổ chức, quản lý chợ, toàn tỉnh có 25.679 hộ, điểm kinh doanh tại chợ. Trong đó, có 17.373 điểm kinh doanh cố định và 8.306 điểm kinh doanh không cố định. Riêng công tác quản lý chợ, thực hiện triển khai chuyển đổi mô hình quản lý chợ giai đoạn 2010 - 2012, hiện trên địa bàn tỉnh có 35 BQL; 71 tổ quản lý (khoán thu hoa chi) và 27 chợ là tổ chức, cá nhân quản lý. Loại hình quản lý chợ này hiện đang áp dụng phổ biến và cần sự chuyển đổi sang các chủ thể quản lý khác. Lý do là vì ở mô hình này, Nhà nước phải thường xuyên cấp kinh phí cho việc đầu tư nâng cấp, mở rộng và cử nhân sự tham gia công tác quản lý chợ, nhưng hai điều kiện này nguồn lực nhà nước có hạn và không tạo được sự năng động của BQL.

Ở mô hình UBND các địa phương giao một BQL chợ quản lý một số chợ trên địa bàn. Hình thức quản lý này đem lại sự năng động và phát huy vai trò của BQL chợ. Cụ thể, BQL chợ ở mô hình này được chủ động đề ra phương án kinh doanh khai thác chợ, quyết định bộ máy tổ chức (nhân sự) và tái đầu tư các chợ trong hệ thống quản lý. Đồng thời, BQL cũng đóng góp một phần thuế thu nhập cho địa phương. Đối với mô hình các tổ chức, cá nhân đầu tư khai thác, quản lý chợ, đây là hình thức xã hội hóa hoàn toàn, nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ do tổ chức, cá nhân tự bỏ ra (theo quy hoạch); chủ đầu tư tổ chức bộ máy quản lý.

Chủ đầu tư hoàn toàn chủ động trong việc lập phương án quản lý khai thác sao cho hiệu quả các hoạt động tại chợ để đạt doanh thu lợi nhuận cao nhất. Tuy nhiên, các chợ do tư nhân đầu tư xây dựng, quản lý trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đa số có quy mô nhỏ (hạng III). Điểm hạn chế ở mô hình này là công tác quản lý còn nhiều bất cập, nhất là vấn đề xử lý môi trường: rác thải, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường...

HTX kinh doanh, quản lý chợ là loại hình quản lý phát huy được tính tập thể, có thể huy động nguồn vốn của tiểu thương kinh doanh tại chợ (với tư cách là xã viên HTX). Tuy nhiên, do loại hình HTX thương mại dịch vụ (HTX chợ) là loại hình mới nên phương thức hoạt động còn lúng túng. Bên cạnh đó, vốn ban đầu còn hạn chế nên HTX chưa chủ động cung cấp nguồn hàng và các dịch vụ theo đúng tính chất của HTX chợ. Mặt khác, các nội dung của Luật HTX còn nhiều bất cập, chưa sát thực tế cũng là điểm chưa thuận lợi cho mô hình này.

Theo Sở Công Thương, xuất phát từ tình hình thực tế trên, công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ cần phải có những bước thay đổi phù hợp. Vấn đề cần chú trọng đầu tiên là quan điểm xã hội hóa các chợ (tin tưởng giao cho tư nhân quản lý, khai thác). Song song đó, phải điều chỉnh, bổ sung một số quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn về phát triển và quản lý chợ. Chuyển đổi mô hình quản lý chợ (từ BQL chợ sang doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh khai thác và quản lý chợ) là nâng cao hiệu quả quản lý chợ, thu hút các nguồn lực của các doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân tham gia kinh doanh khai thác và quản lý chợ, góp phần đẩy nhanh tiến độ xã hội hóa về đầu tư xây dựng chợ.

Về định hướng trong thời gian tới, Sở Công thương cho biết, các chợ hạng I, hạng II chuyển sang hình thức một BQL. BQL này quản lý một số chợ trên địa bàn, được áp dụng hoàn toàn theo cơ chế tài chính được quy định tại Nghị định só 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế nhân sự và tài chính đối với đơn vị công lập hoặc thành lập HTX chợ hoặc giao chợ cho HTX quản lý theo Luật HTX. Các chợ hạng II, hạng III, tổ chức đấu thầu giao cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư (sửa chữa, nâng cấp) quản lý, khai thác.

Trong giải pháp thực hiện, Sở Công thương sẽ phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tham gia hướng dẫn các địa phương trong việc chuyển đổi mô hình sang HTX chợ. Riêng UBND các huyện, thị xã, thành phố mạnh dạn lựa chọn hình thức thích hợp với điều kiện của địa phương, tin tưởng, tiến hành giao chợ cho các cá nhân tổ chức quản lý, khai thác.

H.TR

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn