Xuân ước vọng trên quê hương Sen hồng

Cập nhật ngày: 30/01/2022 05:58:42

ĐTO - Nhân dịp đón xuân mới, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Báo Đồng Tháp về những nỗ lực của tỉnh nhà để phát triển kinh tế - xã hội trong năm qua và những ước vọng của quê hương Sen hồng trên con đường phía trước...

Phóng viên (PV): Năm 2021 là cột mốc đánh dấu 1 năm đầy biến động do ảnh hưởng của “cơn bão” dịch Covid -19. Vượt qua gian nan, thử thách, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm được đánh giá ở mức khá so với cả nước. Ông vui lòng thông tin thêm về một số kết quả ấn tượng cũng như sự chủ động, linh hoạt của chính quyền tỉnh nhà trên mặt trận kinh tế trong năm qua?


Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Với phương châm “Cao hơn một mức và nhanh hơn một bước” đã giúp Đồng Tháp sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh và chuyển trạng thái thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội”. Nhờ đó, tăng trưởng và quy mô nền kinh tế tiếp tục duy trì, gia tăng. Kết quả này cho thấy, Đồng Tháp đã rất nỗ lực, chọn hướng đi thích ứng, linh hoạt, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để thực hiện hiệu quả mục tiêu kép như đã đề ra.

Trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19 vừa qua, hầu hết ngành, lĩnh vực tăng trưởng chậm lại, thì nông nghiệp đã trở thành “trụ đỡ”, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà. Đây chính là lợi thế, là thành quả trong kiên trì thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh những năm qua. Lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng với sự linh hoạt thích ứng vượt khó của các doanh nghiệp đã góp phần duy trì sản xuất, không làm đứt gãy nghiêm trọng các chuỗi ngành hàng.

Ngay từ tháng 10/2021, khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, các doanh nghiệp đã tái hoạt động một cách mạnh mẽ, không chỉ nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, mà còn đáp ứng nhu cầu thị trường, đẩy mạnh kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 (xuất khẩu tăng 12,4%, nhập khẩu tăng 45,17%). Theo kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu đánh giá tác động của dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp đối với 3.133 doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh cá thể, hộ dân cư trên địa bàn tỉnh cho thấy, hầu hết các nhóm giải pháp hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp đều được đánh giá cao. Niềm tin và sự cộng hưởng của doanh nghiệp đối với chính quyền các cấp được giữ vững, tạo động lực lớn để doanh nghiệp khôi phục hoạt động.

Mặc dù bị ảnh hưởng rất nặng nề từ đại dịch, nhưng kinh tế - xã hội vẫn duy trì, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội vẫn đảm bảo. Đây là kết quả từ chủ trương đúng đắn, thích ứng của Đảng, Chính phủ, sự cố gắng không mệt mỏi và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân tỉnh Đồng Tháp.


Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa gặp gỡ doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Sa Đéc. Ảnh: Nhật Khánh

PV: Về thành tích ấn tượng của Đồng Tháp trong bảng xếp hạng PCI năm 2020, ông từng nhận định, bức tranh từ kết quả PCI cũng là để địa phương nhìn lại thành quả của mình, thêm tự tin soi lại mình, từ đó nhận thấy những gì còn khiếm khuyết để đề ra mục tiêu, giải pháp phấn đấu nhiều hơn nữa. Thưa ông! Trong bối cảnh vô cùng đặc biệt của năm 2021, địa phương đã có những giải pháp nào nhằm tiếp tục tạo lập một môi trường đầu tư, kinh doanh đem đến sự hài lòng đối với các thành phần kinh tế?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Chỉ số PCI năm 2020 công bố vào đầu năm 2021, tiếp tục là một tin vui khi một lần nữa tỉnh Đồng Tháp được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, giúp tỉnh giữ vững sự tiến bộ và xếp trong “Nhóm các tỉnh/thành có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất” trên bảng xếp hạng cả nước. Sau lễ công bố PCI hàng năm, chúng tôi đều tổ chức hội nghị đánh giá để cùng nhau nhìn lại chặng đường đã qua, nghiêm túc rút kinh nghiệm những mặt còn hạn chế và đề ra giải pháp để khắc phục.

Trước hết, Đồng Tháp tập trung nghiên cứu, ban hành các chính sách về hỗ trợ đầu tư, vừa có chủ trương tiếp tục kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết số 210/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công nghiệp; chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và chính sách thu hút xã hội hóa một số lĩnh vực; đặc biệt, Nghị quyết về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh được xem là mũi đột phá cho môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh ngày càng thông thoáng, hiệu quả hơn. Đồng thời tiến hành lập Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025 và quy hoạch phát triển các đô thị để hoàn thiện các cơ sở dữ liệu về định hướng đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Đối với Đồng Tháp, chủ trương “Đồng hành cùng doanh nghiệp” tiếp tục là kim chỉ nam để hành động, thúc đẩy đổi mới, hình thành các mô hình, cách làm hay trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương, khuyến khích từ những cải tiến nhỏ nhất đến những mô hình có thể nhân rộng, lan tỏa toàn tỉnh. Điển hình là những mô hình mang dấu ấn riêng của Đồng Tháp như: “Cà phê Doanh nhân - Doanh nghiệp”; “Gửi thư chúc mừng và thư chia buồn với người dân”; “Nụ cười công sở”; “Hẹn giờ hướng dẫn kê khai, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại nhà”; “Kết hợp dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích trong giải quyết thủ tục hành chính”... Song song đó, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình, dự án và khánh thành các công trình, dự án quan trọng như: Đường Sở Tư pháp kết nối đường Tân Việt Hòa; Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự; Nâng cấp Tỉnh lộ ĐT.849 giai đoạn 1; Khối các cơ quan đơn vị sự nghiệp tỉnh Đồng Tháp.


Đồng Tháp đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ trong công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho lực lượng lao động địa phương. Ảnh: Thanh Hiền

Năm qua, các chỉ tiêu về khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, nộp thuế và bảo hiểm xã hội, Thông quan qua biên giới... đều được rút ngắn theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ. Những nỗ lực trên đã làm nên thương hiệu “Đồng Tháp - PCI”, đây là chỉ dẫn quan trọng để nhà đầu tư tìm đến và chọn Đồng Tháp làm nơi phát triển sự nghiệp kinh doanh. Không chỉ ngồi yên chờ nhà đầu tư đến hợp tác, Đồng Tháp còn tự tìm cho mình cơ hội bằng cách tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tham gia các chương trình hội chợ, hội thảo xúc tiến thương mại, đầu tư. Ngoài các biên bản ghi nhớ, những dự án tiềm năng hứa hẹn sẽ được triển khai, chúng tôi còn tạo được ấn tượng tốt với nhà đầu tư về một Đồng Tháp năng động và môi trường đầu tư thuận lợi. 2 năm qua (2020 - 2021), Đồng Tháp đã thu hút 47 dự án đầu tư với quy mô vốn đăng ký 5.500 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2022, sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Tháp để giới thiệu tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Vui mừng với những kết quả tích cực đạt được, chúng tôi nhận thức được rằng, phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhìn vào kết quả PCI cho thấy, dư địa cải thiện của tỉnh vẫn còn khá nhiều, có nhiều xu hướng quan ngại, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm và cải tiến mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.


Khách tham quan sản phẩm trưng bày trong một chương trình hội thảo về xuất khẩu nông sản do UBND tỉnh phối hợp tổ chức. Ảnh Mỹ Nhân

PV: Trước những áp lực do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong những ngày gian nan, khó khăn nhất, người dân Đồng Tháp đi làm ăn phương xa phải trở về quê nhà an trú. Địa phương đã dành sự quan tâm như thế nào để những người con xa quê trở về tiếp tục thực hiện giấc mơ mà họ đành gác lại dang dở nơi “đất khách quê người” là lập nghiệp, ổn định cuộc sống? Thưa ông!

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Đến nay, tỉnh Đồng Tháp có hơn 74.000 công dân từ các địa phương khác trở về tỉnh nhà. Ngay từ thời điểm ban đầu, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho công dân lao động từ các tỉnh, thành phố trở về quê do ảnh hưởng dịch Covid-19. Trong đó, phải tiến hành khảo sát nhu cầu tìm việc làm (trong và ngoài tỉnh), học nghề, đồng thời khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để kịp thời kết nối, giới thiệu cho người lao động tham gia tìm việc.

Đáng chú ý, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm để giúp người lao động bị mất việc làm, lao động thất nghiệp và học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp chưa có việc làm trên địa bàn huyện, thành phố tìm kiếm việc làm, nhất là lực lượng lao động bị mất việc làm từ các tỉnh, thành phố trở về địa phương.

Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành chuyên môn khảo sát, phân loại theo nhu cầu của người lao động, cụ thể: lao động đăng ký tìm việc trong tỉnh; lao động đăng ký trở lại làm việc ngoài tỉnh; lao động đăng ký tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; lao động tự tạo việc làm, mở cơ sở sản xuất kinh doanh; lao động đăng ký học nghề... Để từ đó, địa phương có giải pháp hỗ trợ phù hợp.

PV: Xuân đang về trên quê hương Sen hồng, từ những thành quả của năm 2021 và trước bối cảnh khó khăn chung như dự báo của các chuyên gia kinh tế xã hội, ông vui lòng chia sẻ thêm về sự chủ động của địa phương để hướng đến phát triển bền vững bằng niềm tin và hy vọng cho một tương lai tươi sáng trong năm mới!

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Từ những thành quả của năm 2021 và dự báo những yếu tố có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của địa phương, nhất là diễn biến của dịch Covid-19, Đồng Tháp quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Phấn đấu năm 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh; kinh tế phục hồi và phát triển”, hành động theo phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”, trong đó tập trung ưu tiên nguồn lực, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19; phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu thực hiện đạt, vượt và hiệu quả 22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu, trong đó phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 7,0% trở lên.


Quốc lộ 30 - công trình giao thông có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Nhật Khánh

Để đạt được mục tiêu trên, Đồng Tháp đã đề ra 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 167 nhiệm vụ cụ thể để tập trung chỉ đạo, điều hành; trọng tâm triển khai thực hiện 13 Nghị quyết, Kết luận chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Chú trọng kích hoạt các nhân tố tạo động lực phát triển, phục hồi sản xuất, kinh doanh như phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp; triển khai các dự án đầu tư; đẩy mạnh triển khai kế hoạch vốn đầu tư công và giải ngân vốn; tạo điều kiện phát triển mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số trong các lĩnh vực.

Trước mắt, dù vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách, song với những kinh nghiệm từ cuộc chiến với đại dịch Covid-19 vừa qua, đặc biệt là sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, Đồng Tháp sẽ vững vàng cùng cả nước chuyển sang trạng thái mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh và tin tưởng sẽ đạt mục tiêu năm 2022 đã đề ra. Quyết tâm này thể hiện rõ nét qua phương châm hành động năm 2022 của tỉnh:

“Thích ứng nhanh nâng tầm vị thế

Đất Sen hồng vượt sóng vươn xa”

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

THANH HIỀN (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn