Xuất khẩu gạo, cần khai thác sâu nhu cầu thị trường
Cập nhật ngày: 23/03/2017 10:59:43
ĐTO - Năm 2017, tình hình xuất khẩu gạo được chuyên gia dự báo cũng không khả quan hơn năm qua. Tuy nhiên, đầu ra sản phẩm sẽ thông thoáng hơn khi doanh nghiệp xuất khẩu gạo biết khai thác cả thị trường có nhu cầu về gạo chất lượng cao.
Xuất khẩu gạo tiếp tục chịu áp lực về đầu ra
Áp lực đầu ra
Thống kê của Sở Công Thương, năm 2016 sản lượng gạo xuất khẩu đạt trên 180 ngàn tấn, kim ngạch 80 triệu USD, giảm 11% về lượng và giảm 9% về giá trị so với năm 2015. Trong 2 tháng đầu năm 2017, mặt hàng gạo xuất khẩu của tỉnh tiếp tục giảm trên 42% về khối lượng và 54% về giá trị.
Theo Công ty Lương thực Đồng Tháp, trong quý 1 đơn vị đã xuất ra khoảng 20 ngàn tấn gạo, tuy nhiên tình hình tình xuất khẩu các thị trường truyền thống vẫn chưa có tín hiệu khả quan.
Hoạt động xuất khẩu gạo trong năm qua gặp rất nhiều khó khăn được Sở Công Thương nhận định là do Thái Lan thực hiện chiến dịch giải phóng hàng tồn kho. Các nước có nguồn cung lớn như Ấn Độ, Pakistan lại đẩy mạnh xuất khẩu. Mặt khác, các thị trường nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như: Indonesia, Malaysia, Philippines... thực hiện chính sách tự túc lương thực, hạn chế nhập khẩu.
Riêng Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam (chiếm trên 40% thị phần) và là thị trường truyền thống của doanh nghiệp xuất khẩu gạo Đồng Tháp. Tuy nhiên hiện nay, Trung Quốc thay đổi phương thức nhập khẩu và thắt chặt hơn về tiêu chuẩn chất lượng, hệ thống kho, vùng nguyên liệu... Các doanh nghiệp này phải được Tổng Cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch quốc gia Trung Quốc (AQSIQ) kiểm tra đạt và có giấy chứng nhận mới được xuất sang thị trường này. Trong lần khảo sát đợt 1 vừa qua của AQSIQ, có 22 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam được xuất gạo sang Trung Quốc, nhưng Đồng Tháp lại không có doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo nằm trong danh sách này. Vì vậy, năm 2017 nếu thiếu kênh tiêu thụ từ thị trường Trung Quốc thì doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong tỉnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn và ảnh hưởng chung đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh.
Tìm hướng đi mới
Nhìn từ bình diện cung cầu cho thấy, nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới không tăng trong khi nguồn cung từ các nước lại dồi dào. Vì vậy, về lâu dài việc điều tiết lượng gạo xuất khẩu là rất cần thiết và tập trung vào việc tăng giá trị, chất lượng sản phẩm gạo. Trước tình hình thực tế về xuất khẩu gạo, năm 2017, Đồng Tháp chỉ đưa ra chỉ tiêu xuất khẩu gạo khoảng 200 ngàn tấn, kim ngạch khoảng 80 triệu USD.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, ngoài những thị trường truyền thống thì hiện nay các nước phát triển có nhu cầu lớn nhập gạo có chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, gạo Việt Nam đa phần có chất lượng trung bình và thấp, chưa đạt chuẩn để xuất khẩu vào thị trường khó tính. Vì vậy, xuất khẩu gạo bị cuốn trong vòng lẩn quẩn, doanh nghiệp xuất gạo chất lượng thấp khi nguồn cung đã thừa, còn gạo chất lượng cao thì lại thiếu cho đối tượng có nhu cầu.
Nắm bắt sự thay đổi của thị trường, các doanh nghiệp đang chuyển sang hướng xuất khẩu gạo chất lượng cao. Ông Trần Tấn Đức - Giám đốc Công ty Lương thực Đồng Tháp cho hay: “Trong kinh doanh xuất khẩu gạo, để không phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu truyền thống, doanh nghiệp đang phải mở rộng thị trường các nước có nhu cầu tiêu dùng gạo chất lượng cao như Ucraina, Nga, Pháp... Vì vậy, thời gian qua, doanh nghiệp đẩy mạnh hợp đồng với các hợp tác xã liên kết tiêu thụ lúa chất lượng cao với quy trình sản xuất nghiêm ngặt, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để đạt chỉ tiêu dư lượng xuất khẩu”. Ngoài ra, công ty cũng đang xúc tiến hợp tác với Nghĩa Nhân Hội quán (Tân Hồng) sản xuất lúa mùa để phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước, đặc biệt là hướng đến thị trường Mỹ. Đây là mục tiêu quan trọng năm 2017 mà công ty nỗ lực chinh phục thị trường xuất khẩu gạo chất lượng cao.
Ngoài việc chăm chút vào thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp tỉnh nhà tiếp tục chinh phục thị trường nội địa với gạo chất lượng, an toàn, có thương hiệu, giá thành thấp... nhằm cạnh tranh với sản phẩm gạo của Thái Lan, Campuchia giành lại thị phần mà các doanh nghiệp đã bỏ lỡ.
KHÁNH DUY