Đồng bằng sông Cửu Long: Ứng phó đợt mặn xâm nhập đạt đỉnh từ đầu mùa khô

Cập nhật ngày: 24/02/2025 05:39:45

Theo Phó Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam Tô Văn Thanh, dòng chảy từ sông Mê Công về đồng bằng sông Cửu Long giảm nhanh, làm mặn vào sâu trên các cửa sông trong tháng 1/2025. Dự báo, nước mặn lấn sâu và sẽ đạt đỉnh trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4/2025. Cụ thể, nước mặn tăng dần và khả năng đạt đỉnh lớn nhất từ đầu mùa khô vào ngày 28/2, kéo sang đến ngày 4/3/2025.


Đóng cống ngăn mặn trên địa bàn huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang

Theo đó, ranh mặn 4‰ cao nhất cách biển 40 - 45km trên các nhánh sông Tiền, 52 - 56km trên nhánh sông Hàm Luông, 50 - 60km trên nhánh sông Cổ Chiên và 50 - 55km trên nhánh sông Hậu.

Phó Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam Tô Văn Thanh khuyến nghị: Cuối tháng 2 đến tháng 4/2025 là thời kỳ nước mặn lấn sâu vào các cửa sông, vì vậy, các địa phương ven biển cần chủ động các giải pháp ứng phó phòng chống hạn mặn phù hợp với điều kiện của vùng. Vùng thượng đồng bằng sông Cửu Long, khó khăn chủ yếu ở vùng núi cao Tịnh Biên, Tri Tôn (An Giang) cần thực hiện các biện pháp trữ nước và tưới tiết kiệm nước. Vùng giữa đồng bằng sông Cửu Long, vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn và tích nước, khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả.

Đối với vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn bất thường có thể làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thủy lợi ven biển như: Gò Công, Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh và hệ thống Long Phú - Tiếp Nhật. Do vậy, cần chuẩn bị các phương án ứng phó và tích trữ, sử dụng nước hợp lý, đặc biệt là nước đảm bảo cho các vùng trồng cây ăn trái thuộc huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc - Nam, tỉnh Bến Tre; huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng…

Theo VĨNH TƯỜNG (SGGP)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn