Đồng Tháp tập trung công tác bảo vệ môi trường

Cập nhật ngày: 16/10/2019 10:26:42

ĐTO - Thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất thân thiện với môi trường, lồng ghép các nội dung bảo vệ môi trường vào trong quy hoạch ngành, kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh...

Tỉnh đã rà soát quy hoạch khu sản xuất tập trung tại các làng nghề nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kết hợp với bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống. Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt thời gian qua đạt kết quả ngày càng cao. Theo đó, khu vực đô thị đạt 79%, khu vực nông thôn đạt khoảng 42%. Thực hiện tiêu chí số 17 (môi trường và an toàn thực phẩm) thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tính đến tháng 9/2019, toàn tỉnh có 75/119 xã đạt tiêu chí này (đạt 63%).

Đối với việc nâng tỷ lệ khu đô thị, khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu, tỉnh đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung cho TP.Cao Lãnh công suất 10.000m3/ngày đêm từ nguồn vốn vay ODA do Chính phủ Na Uy hỗ trợ. Ngoài ra, tỉnh dự kiến đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung cho TP.Sa Đéc và TX.Hồng Ngự.

Hiện nay, tỉnh có 4 KCN (gồm: KCN Sa Đéc, KCN Sông Hậu, KCN Trần Quốc Toản, KCN Tân Kiều) được đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung. Trong đó, KCN Sa Đéc đầu tư hoàn chỉnh nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất tổng cộng 8.500m3/ngày đêm; KCN Trần Quốc Toản đã đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung 250m3/ngày đêm; KCN Sông Hậu đang lập hồ sơ tổ chức đấu thầu xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được duyệt, tỉnh có 30 CCN với tổng diện tích 1.290ha. Đến nay, có 14 CCN có quyết định thành lập và đi vào hoạt động, trong đó có 6 CCN đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý tập trung.

Trong công tác nâng tỷ lệ chất thải nguy hại, chất thải y tế được xử lý, thời gian qua, tỉnh tăng cường kêu gọi đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực này. Đến nay, tỉnh có dự án Nhà máy tái chế, xử lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại của Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Dịch vụ Môi trường Tiến Phát (Khu xử lý Đập Đá, huyện Cao Lãnh) đã hoàn thành, đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm.

Ngoài việc cải tạo, phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái; đẩy mạnh cung cấp nước sạch và dịch vụ vệ sinh môi trường, tỉnh còn đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Trong thời gian qua, tỉnh áp dụng các biện pháp hiệu quả để bảo vệ đa dạng sinh học như: nâng cấp cấu trúc quần thể tự nhiên bị suy thoái, ứng dụng kỹ thuật sinh thái bảo vệ hệ sinh thái thủy vực, gia tăng số loài bản địa trong các quần thể nhân tác, nhân rộng các mô hình canh tác bền vững, bảo tồn gen... Đồng thời thực hiện nhiều biện pháp giữ gìn, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái đặc thù ở Vườn quốc gia Tràm Chim, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu di tích Xẻo Quít, Gò Tháp; hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân vùng đệm tham gia vào việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên trong các khu vực bảo tồn...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn