Miền Nam bắt đầu mùa mưa, miền Bắc đang thiếu 4,5 tỷ m³ nước

Cập nhật ngày: 22/05/2023 05:25:27

Trên địa bàn TPHCM, ngày 21/5 đã có mưa to diện rộng (đạt khoảng 80%). Dự báo, ngày 22/5, trạng thái thời tiết tại TPHCM sẽ như hôm 21/5 và Nam bộ sẽ bắt đầu có mưa to hơn từ ngày 23/5 do có một áp thấp hoạt động, kích hoạt gió mùa Tây Nam mạnh lên.


Mưa dông ở TPHCM trưa 21/5 (Ảnh: QUỐC ANH)

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia vừa có báo cáo tình hình nhiệt độ tăng cao, tổng lượng mưa bị thiếu hụt, gây hiện tượng khô hạn trên phạm vi cả nước trong 5 tháng đầu năm, đồng thời dự báo xu thế từ nay đến tháng 11/2023.

Báo cáo do ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia ký cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tổng dung tích các hồ thủy điện lớn trên hệ thống sông Hồng ở miền Bắc chỉ đạt 30-50% so với dung tích thiết kế; riêng hồ Hòa Bình vẫn đạt 89% do được cấp nước từ hồ Sơn La.

"Tổng dung tích các hồ thấp hơn năm 2022 khoảng 4,5 tỷ  m³. Mực nước một số hồ chứa như: Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Chát, Sơn La ở mức rất thấp", báo cáo cho biết.

Tại miền Trung và Tây Nguyên cũng đang tương tự. Tính đến ngày 18/5, mực nước các hồ chứa thủy điện trong khu vực ở mức thấp hơn mực nước dâng bình thường 5-15m; dung tích của các hồ chứa thủy điện chỉ đạt 45-80%, một số hồ dung tích thấp hơn 40% như: Hủa Na, Cửa Đạt, Bản Vẽ, Trà Xom, Ayun Hạ, Ialy, Buôn Tua Srah, Thác Mơ, Đơn Dương, Đại Ninh, Trị An…

Các chuyên gia khí tượng cho rằng, thời tiết khắc nghiệt năm 2023 đã và đang hiển hiện rõ rệt qua các số liệu về nhiệt độ, lượng mưa, dòng chảy...

Cụ thể, từ tháng 3 đến nửa đầu tháng 5/2023, trên cả nước đã xảy ra 10 đợt nắng nóng diện rộng. Tại Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ, trong tháng 3, nhiệt độ trung bình cao hơn 0,5-1 độ C và trong tháng 4 cao hơn 1-1,5 độ C (riêng Đông Bắc bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ cao hơn từ 0,5-1 độ C) so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Trong nửa đầu tháng 5/2023, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn từ 0,5-1,5 độ C, riêng khu vực Tây Bắc bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, Tây Nguyên cao hơn từ 1,5-2 đô C, có nơi trên 2 đô C. Theo các chuyên gia khí tượng, đây là hiện tượng ít gặp, cho thấy nền nhiệt ở nước ta trong các tháng qua nóng hơn bình thường ở mức đáng lo ngại.

Cùng với hiện tượng nền nhiệt nóng lên thì lượng mưa đã sụt giảm rõ rệt ở nhiều khu vực. Trong tháng 4, tổng lượng mưa trên cả nước thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ 30-60%, một số nơi ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ thấp hơn từ 70-100%.

Nửa đầu tháng 5, có mưa nhưng phân bố không đều. Ở Bắc bộ và Nam bộ hầu hết thấp hơn 30-80%, khu vực Thanh Hóa đến Đà Nẵng, Tây Nguyên cao hơn 30-100%, khu vực Quảng Ngãi đến Bình Thuận phổ biến thấp hơn 30-70%. Dự báo tình hình thời tiết từ nay đến cuối năm 2023 sẽ còn khắc nghiệt và cực đoan hơn khi trạng thái thời tiết chuyển hẳn sang El Nino.

TPHCM và khu vực Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa, riêng một số nơi như Đồng Nai đã vào mùa mưa từ cách đây 5/6 ngày.

Trên địa bàn TPHCM, ngày 21/5 đã có mưa to diện rộng (đạt khoảng 80%). Dự báo, ngày 22/5, trạng thái thời tiết tại TPHCM sẽ như hôm nay và Nam bộ sẽ bắt đầu có mưa to hơn từ ngày 23/5 do có một áp thấp hoạt động, kích hoạt gió mùa Tây Nam mạnh lên.

Theo VĂN PHÚC (SGGP)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn