Tiềm năng, triển vọng từ thị trường carbon
Cập nhật ngày: 30/04/2024 10:53:49
ĐTO - Thị trường carbon được tạo ra bởi các chính sách khí hậu hoặc mục tiêu khí hậu của 1 hay nhiều quốc gia, tổ chức bằng cách giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính hoặc kết quả giảm phát thải được công nhận dưới dạng tín chỉ carbon. Qua đó cung cấp các lựa chọn để đáp ứng mục tiêu giảm phát thải theo quy định hoặc tự nguyện. Sau gần một thập kỷ chuẩn bị điều kiện cho việc hình thành, thị trường carbon tại Việt Nam đang dần được định hình ngày một rõ nét và hoàn thiện hơn.
UBND tỉnh Đồng Tháp và Công ty CP Tập đoàn PAN (PAN Group) ký biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng và thực hiện Đề án “Nâng cao thu nhập người trồng lúa” nhằm phát triển chuỗi lúa gạo đa giá trị, giảm phát thải khí nhà kính (Ảnh: Mỹ Nhân)
Hình thành, phát triển thị trường carbon
Thị trường carbon bao gồm thị trường carbon bắt buộc và thị trường carbon tự nguyện. Theo đó, thị trường carbon bắt buộc là thị trường mà quốc gia, tổ chức hoặc doanh nghiệp theo luật phải kiểm kê và giảm lượng phát thải khí nhà kính và có quyền tham gia các hoạt động trao đổi, buôn bán, chuyển giao hạn ngạch phát thải khí nhà kính cũng như tín chỉ carbon. Đối với thị trường carbon tự nguyện là cho phép các cơ sở phát thải bù trừ lượng phát thải không thể tránh khỏi của mình bằng cách mua tín chỉ carbon được tạo ra từ các dự án giảm phát thải nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính trên cơ sở tự nguyện.
Còn tín chỉ carbon là cơ chế mà các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính sẽ được định lượng và định giá cũng như có thể giao dịch giữa các bên thực hiện hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và các bên có nhu cầu bù trừ cho lượng phát thải khí nhà kính. Một tín chỉ carbon sẽ đại diện cho 1 tấn phát thải CO2, tương đương được giảm trong khí quyển. Tuy nhiên, không phải bất kỳ hoạt động hay dự án giảm phát thải nào cũng có thể được phát triển thành dự án tín chỉ carbon và được ban hành tín chỉ carbon.
Các dự án tín chỉ carbon phải đảm bảo các tiêu chí sau: việc giảm phát thải phải thực tế, đo lường được và lượng giảm phát thải được định lượng thông qua các phương pháp luận được công nhận; việc giảm phát thải phải là lâu dài và không bị đảo ngược; việc giảm phát thải phải đảm bảo tính bổ sung của dự án. Đây là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá việc giảm phát thải có được phép quy đổi ra tín chỉ hay không.
Tại Việt Nam, từ năm 2005, Chính phủ đã ban hành một số văn bản nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện thị trường carbon như Chỉ thị số 25/2005/CT-TTg về việc tổ chức thực hiện Nghị định thư Kyoto, Quyết định số 130/2007/QĐ-TTg về một số cơ chế, chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch... Tháng 11/2020, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được thông qua, lần đầu tiên đưa ra quy định về việc tổ chức và phát triển thị trường carbon trong nước. Ngày 7/1/2022, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn, trong đó Điều 91 quy định chi tiết giảm phát thải khí nhà kính và Điều 139, hình thành, phát triển thị trường carbon. Ngày 18/1/2022, Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg quy định danh mục lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, theo đó có 1.912 cơ sở sẽ tham gia vào thị trường carbon trong nước. Ngày 15/11/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 17/2022/TT-BTNMT quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải trong thời gian tới...
Với các văn bản quy phạm đã được ban hành, đặc biệt là Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, có thể thấy thị trường carbon trong nước dần được định hình rõ nét hơn. Theo quy định, lộ trình phát triển thị trường carbon tại Việt Nam từ năm 2021 - 2024 là giai đoạn chuẩn bị, từ năm 2025 - 2027 là thực hiện thí điểm - thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, từ năm 2028 sẽ vận hành đầy đủ thị trường carbon.
Thành viên Hợp tác xã Trường Phát (xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười) sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP (Ảnh: Mỹ Nhân)
Góp phần tạo sinh kế bền vững
3 đối tượng chính tham gia thị trường carbon ở Việt Nam gồm: tổ chức tham gia thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước (tự nguyện); cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính, như: nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp, công ty vận tải hàng hóa, tòa nhà thương mại... có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hàng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương trở lên, cơ sở xử lý chất thải rắn công suất từ 65 ngàn tấn trở lên; tổ chức cá nhân khác liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính.
Tính đến tháng 12/2022, Việt Nam có khoảng 276 dự án theo cơ chế phát triển sạch và 29,4 triệu tín chỉ carbon được phát triển theo cơ chế phát triển sạch. Ngoài cơ chế phát triển sạch, Việt Nam có 32 dự án đăng ký theo Tiêu chuẩn vàng và 27 dự án đăng ký theo tiêu chuẩn carbon được thẩm định với số lượng tín chỉ được ban hành lần lượt là 5,7 triệu và 1,3 triệu tín chỉ carbon.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải từ Quỹ Đối tác carbon cho các kết quả giảm phát thải được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế việc mất rừng, suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng. Khoản chi trả này đã được chuyển cho Việt Nam do giảm được 10,3 triệu tấn phát thải carbon trong giai đoạn từ ngày 1/2/2018 - 31/12/2019. Đây là bước ngoặt, đánh dấu một bước nữa để Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu.
Rõ rằng, việc tham gia vào thị trường carbon cũng mang lại lợi ích nhất định cho doanh nghiệp. Đó là doanh nghiệp vừa có khả năng tạo ra doanh thu bổ sung từ việc giao dịch hạn ngạch hay tín chỉ carbon, vừa nâng cao hình ảnh và tăng tính cạnh tranh khi tham gia vào các thị trường áp dụng các cơ chế định giá carbon.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sản xuất (khi bị áp một mức giới hạn phát thải, lượng sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất sẽ bị giới hạn theo) hoặc doanh nghiệp chịu sức ép chuyển đổi công nghệ (các hạn ngạch phát thải sẽ giảm dần theo thời gian nên doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi sang công nghệ phát thải thấp nhằm tuân thủ quy định pháp luật) hoặc bị ảnh hưởng trực tiếp đến tính cạnh tranh nếu không đảm bảo mức phát thải dưới hạn ngạch được phân bổ thì hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng. Việc xây dựng định mức phát thải tiêu chuẩn trên sản phẩm sẽ là thách thức lớn nhất đối với thị trường carbon trong nước... Vì vậy, để tham gia vào thị trường carbon trong nước, doanh nghiệp cần xây dựng năng lực thực hiện kiểm kê khí nhà kính và lập kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính phù hợp nhằm giảm cường độ phát thải khí nhà kính và đóng góp vào các mục tiêu khí hậu Quốc gia. Ngoài ra, doanh nghiệp cần trang bị kiến thức về thị trường carbon cũng như các cơ chế định giá carbon trước khi tham gia vào thị trường này.
Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng có lợi thế, tiềm năng về phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là những ngành có lượng phát thải khí nhà kính cao. Do vậy, việc thực hiện chuyển số trong nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đóng vai trò rất quan trọng, giúp cho các địa phương nâng cao chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, việc nghiên cứu, thực hiện thí điểm thị trường carbon ở một vài doanh nghiệp, địa phương càng trở nên quan trọng, không chỉ cho mục tiêu giảm phát thải, mà còn góp phần tạo sinh kế bền vững cho hơn 20 triệu người dân trong vùng.
PHẠM HÒA